(HNM) - Nửa tháng đã trôi qua kể từ sau lễ nhậm chức được tổ chức trọng thể tại thủ đô Seoul ngày 25-2, tân Tổng thống Park Geun-hye vẫn chưa thể thành lập được chính phủ với đầy đủ các thành viên nội các cần thiết.
Tân Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân vì không thể thành lập được chính phủ. |
Nút thắt quan trọng nhất dẫn đến thế bế tắc trên chính trường Hàn Quốc hiện nay là Quốc hội nước này không thể thông qua đề xuất của tân Tổng thống P.Geun-hye về tái cơ cấu chính phủ. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm mở đường cho việc thành lập các bộ, ngành và văn phòng mới cũng như điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chính phủ. Một trong những trở ngại gây bế tắc là đề xuất thành lập Bộ Khoa học và Sáng tạo tương lai của Tổng thống P.Geun-hye nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Châu Á này trở thành "một nền kinh tế sáng tạo". Tuy nhiên trọng trách đầu tiên hết sức nặng nề này của tân Tổng thống P.Geun-hye đã không thể trở thành hiện thực do phe đối lập phản đối mạnh mẽ. Làn sóng phản đối của các đảng đối lập - đặc biệt với ý tưởng thành lập Bộ Khoa học và Sáng tạo tương lai - khiến việc chất vấn để tiến tới việc phê chuẩn một số đề cử chủ chốt trong nội các của nữ Tổng thống P.Geun-hye đã phải tạm hoãn.
Giữa lúc chính trường Hàn Quốc đang ngổn ngang khó khăn khi phải làm việc trong tình cảnh không có một chính phủ hoàn chỉnh, sự nóng lên trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên những ngày qua kể từ khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 3 (ngày 12-2) đang là phép thử lớn với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị điều hành đất nước của nữ Tổng thống P.Geun-hye. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang từng giờ sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 2094 gia tăng lệnh trừng phạt Triều Tiên do thử hạt nhân. Cùng với đe dọa sẽ tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Hàn Quốc, Triều Tiên còn tuyên bố sẽ áp dụng những biện pháp mạnh, trong đó có cả việc phá bỏ khu công nghiệp Kaesong và biến khu vực này thành căn cứ quân sự để trả đũa động thái siết chặt kiểm soát các phương tiện chuyên chở linh kiện, thiết bị từ Hàn Quốc sang khu công nghiệp này theo nghị quyết của LHQ. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để bảo đảm an ninh đất nước, an toàn cho người dân là mối quan tâm hàng đầu của tân Tổng thống P.Geun-hye. Nhưng việc Quốc hội Hàn Quốc không thể thông qua dự luật tái cơ cấu chính phủ để bổ nhiệm các thành viên nội các mới khiến những khó khăn càng trở nên nặng nề hơn.
Không hề khuất phục trước những khó khăn trước mắt, tân Tổng thống P.Geun-hye nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách giải quyết. Trong một phát biểu mới nhất trước các lãnh đạo Quốc hội, nữ Tổng thống P.Geun-hye thừa nhận, hơn bao giờ hết Hàn Quốc đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài. Cùng với lời xin lỗi người dân khi để xảy ra sự trì hoãn "nghiêm trọng" và "chưa từng có" trong việc điều hành các vấn đề quốc gia, tân Tổng thống P.Geun-hye đã kêu gọi các chính khách đối lập hành xử có trách nhiệm và giải quyết tình trạng bế tắc trong Quốc hội vốn đang làm tê liệt chính quyền mới do bà lãnh đạo.
Mặc dù đến nay đã có 11 thành viên chính phủ hoàn tất quá trình điều trần, chất vấn ở Quốc hội nhưng sẽ chỉ có 7 bộ trưởng gồm Bộ trưởng Thống Nhất, Tư pháp, Văn hóa, Phúc lợi xã hội, Môi trường, Lao động và Bình đẳng giới chính thức nhậm chức vào hôm nay (11-3). Bốn vị trí còn lại chưa thể nhậm chức do dự luật cơ cấu chính phủ mới vẫn còn trên bàn nghị sự của Quốc hội nước này. Ngay sau khi chính thức công bố quyết định bổ nhiệm, Tổng thống P.Geun-hye sẽ có cuộc họp đầu tiên với bảy thành viên chính phủ. Song đây chưa phải là cuộc họp nội các đầu tiên, bởi luật pháp Hàn Quốc quy định cuộc họp nội các phải có số lượng ít nhất là 15 thành viên chính phủ tham gia. Trước khó khăn này, nữ Tổng thống Park Geun-hye hy vọng các đảng đối lập hãy trao cho bà cơ hội phục vụ đất nước bằng việc nhanh chóng ủng hộ chính phủ mới để sớm đưa guồng máy của nội các đi vào hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.