(HNMO) - Ngày 16-8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp thứ 36, tập trung cho ý kiến về một số nội dung trình Quốc hội và xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong đó đã tổ chức thành công giám sát chuyên đề và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan bám sát tinh thần kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhanh chóng triển khai các công việc tiếp theo để bảo đảm chất lượng và tiến độ của từng nội dung, nhất là các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.
Đặc biệt, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý những tồn tại hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan phải lưu ý để tích cực, khẩn trương chỉ đạo sát sao, chặt chẽ việc chuẩn bị các nội dung trong dự kiến chương trình phiên họp thứ 37 sắp tới bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các dự án luật dự kiến trình tại kỳ họp thứ tám phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, nhất là các dự án luật được bổ sung.
* Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.600 tỷ đồng và 1.615,5ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.
Góp ý vào báo cáo kết quả giám sát, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo giám sát chuyên đề, cho rằng, dự thảo báo cáo giám sát thể hiện tương đối toàn diện, đầy đủ, nêu được mục đích, yêu cầu đề ra. Nhìn chung, các ý kiến tán thành kết quả đạt được trong công tác thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; công tác phòng cháy, chữa cháy có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình cháy nổ hiện nay, số lượng quy mô và tính chất các vụ cháy ngày càng tăng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong phòng cháy, chữa cháy, việc đầu tiên vẫn là phòng. Việc này không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chuyên trách mà là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp chính quyền.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, một trong những giải pháp là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cần quan tâm phân loại nhóm đối tượng để tuyên truyền cho hiệu quả.
Tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, dự báo tới đây, vấn đề phòng cháy, chữa cháy vẫn còn tiềm ẩn lớn. Trong đó, 86% vụ cháy liên quan đến điện và sử dụng xăng, dầu, riêng cháy do điện khoảng 57%. Do đó, Thượng tướng Lê Quý Vương đề xuất, tới đây cần xem lại việc quản lý sử dụng điện, nâng cao nhận thức của người dân.
“Công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính, tuyên truyền là gốc để mỗi người dân, mỗi gia đình tự giác thực hiện”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, đợt giám sát này không hy vọng chấm dứt được tình hình cháy nổ nhưng đây là cơ hội để có các giải pháp phù hợp, cần thiết nhằm hạn chế tình hình cháy nổ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở mức thấp nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đoàn giám sát, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi diễn ra kỳ họp thứ tám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.