(HNMO) - Chiều 11-1, sau 4,5 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu bế mạc.
Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội...
Kỳ họp đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
“Với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, với gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến, các đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua 1 luật và 4 nghị quyết với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của kỳ họp”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.
Để các Nghị quyết của kỳ họp bất thường lần thứ nhất đi ngay vào cuộc sống, ngay sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời để các luật, nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với việc tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Cho phép tăng bội chi ngân sách bình quân 1-1,2% GDP trong 2 năm
Trước đó, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với tổng số 424/426 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 84,97% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về chính sách tài khóa, Nghị quyết quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Nghị quyết cũng quy định tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023 cho các lĩnh vực: Y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay…
Nghị quyết cũng quy định chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình, trong đó, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình, Nghị quyết cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng). Trong đó, năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định. Năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định...
Trên cơ sở các chính sách, Nghị quyết đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2022 đến ngày 31-12-2023; riêng chính sách tài khóa của Nghị quyết được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.
Đầu tư công 146.990 tỷ đồng xây dựng 729km cao tốc Bắc - Nam
Với tổng số 469/474 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 93,99% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần, vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025, bố trí 119.666 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030, bố trí 27.324 tỷ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481ha, trong đó, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Nghị quyết giao Chính phủ tổ chức rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức thu phí tự động không dừng; xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương.
Tại phiên họp, với tổng số 436/466 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 87,37% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ với tổng số 463/469 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 92,99% (tính trên tổng số đại biểu).
Sau đó, với tổng số 472/473 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 94,59% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.