(HNM) - Ngày 14-4, nhóm điều tra liên ngành về vụ bê bối buôn lậu vắc xin số lượng lớn tại TP Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cho biết, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ án hình sự đối với 192 trường hợp, tạm giữ hình sự 202 đối tượng, phê chuẩn quyết định bắt giữ 22 người...
Nhóm điều tra cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các quan chức liên quan của Tổng cục Giám sát và Quản lý thực phẩm - dược phẩm quốc gia, Ủy ban Y tế quốc gia, tỉnh Sơn Đông và 17 tỉnh, thành phố khác, cách chức hoặc giáng cấp đối với 357 cán bộ quản lý. Đây là một phần trong chiến dịch điều tra làm rõ và triệt phá tận gốc đường dây buôn lậu vắc xin kém chất lượng ảnh hưởng tới 24 tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Thông tin về vụ bê bối bắt đầu bùng lên từ tháng 4-2015 sau khi một nữ bác sĩ 47 tuổi mang họ Pang, làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Mẫu Đơn, tỉnh Sơn Đông, cùng cô con gái vừa mới tốt nghiệp trường y khoa bị bắt giữ với cáo buộc điều hành doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh và buôn bán trái phép vắc xin kể từ năm 2011. Khám xét cơ sở của bà này, chính quyền đã tịch thu một lô gồm 25 mẫu vắc xin, như: Bại liệt, tiêu chảy, viêm màng não... không được bảo quản đúng cách và đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Mặc dù các loại vắc xin trên đều được phân phối bởi các hãng dược phẩm có giấy phép sản xuất nhưng nó đã không hề được lưu trữ trong điều kiện bảo đảm. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các vắc xin sẽ mất tác dụng và có nguy cơ đe dọa tới tính mạng của người sử dụng. Hãng Thông tấn Tân Hoa xã cho biết: "Những loại vắc xin này sẽ mang đến những hệ lụy nghiêm trọng và hoàn toàn có thể dẫn đến tàn phế hoặc gây tử vong". Điều dư luận Trung Quốc quan tâm ở đây là tại sao bà Pang có thể buôn bán loại vắc xin "bẩn" này sau khi đã từng nhận một án tù treo 3 năm cho tội danh tương tự vào năm 2009. Tệ hại hơn, quá trình phạm tội tiếp theo của bà còn kéo dài tới 5 năm và được tiếp tay bởi chính người con gái của bà vào năm 2014 sau khi cô này đã tốt nghiệp và không tìm được việc làm ổn định.
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin về số lượng nạn nhân đã bị ảnh hưởng trong vụ bê bối. Tuy nhiên, danh sách những khu vực có sự hiện diện của những loại vắc xin "bẩn" này đã bao phủ 2/3 lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh. Theo Bộ Công an Trung Quốc, lực lượng chức năng đã thu giữ 20.000 liều vắc xin lậu liên quan tới 29 công ty dược phẩm và 16 cơ sở y tế. Riêng tại tỉnh Sơn Đông, nhà chức trách đã hủy giấy chứng nhận và đình chỉ hoạt động 3 công ty dược phẩm.
Vụ việc này là một sự cố mới khiến niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vào sản phẩm quốc nội bị tổn hại trầm trọng sau loạt bê bối sữa bột nhiễm melamine năm 2008 khiến 3.000 trẻ em mắc bệnh và 6 em bé tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.