Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Bắt đầu cuộc đua

Thùy Dương| 23/08/2020 06:34

(HNM) - Với bài phát biểu từ bang quê nhà ở Delaware (Mỹ) vào sáng 21-8 (giờ Việt Nam), cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Như vậy, cuộc đua vào Nhà Trắng, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới đã bắt đầu với một bên là ông Joe Biden, một bên là đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu trực tuyến tiếp nhận đề cử ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020.

Trong ngày cuối cùng diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, bài phát biểu tiếp nhận đề cử của ông J.Biden được đánh giá là quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Với điểm nhấn chính là những chủ đề về đối nội, chính trị gia này kêu gọi sự đoàn kết của người dân Mỹ và nhấn mạnh “đây là lúc để người dân Mỹ cùng nhau vượt qua thời kỳ đen tối”, đồng thời cam kết sẽ đem lại tương lai tươi sáng cho nước Mỹ nếu trở thành Tổng thống thứ 46.

Bài phát biểu của ông J.Biden đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân bởi đây là cơ hội để ông giành được sự ủng hộ hơn nữa từ các nhóm cử tri vẫn còn những thắc mắc, hoài nghi. Truyền thông Mỹ đa phần cũng có nhận định tích cực về bài diễn văn của chính khách kỳ cựu này.

Trên thực tế, chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ gần đây đã giúp cựu Phó Tổng thống J.Biden giành được “chiếc vé” ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, trở thành đối thủ của đương kim Tổng thống Mỹ D.Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Do đó, kết quả nói trên chỉ là “hợp thức hóa” việc ông J.Biden chính thức bước vào “cuộc đua song mã” vào tháng 11 tới. Bên cạnh các nhóm cử tri nòng cốt như người Mỹ gốc Phi, người trên 65 tuổi, cử tri sinh sống tại các khu vực ngoại ô, ông J.Biden đang đẩy mạnh việc vận động nhằm thu hút các đối tượng cử tri khác.

Dù cựu Phó Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường tìm cách đoàn kết đảng Dân chủ bị chia rẽ, song trong 4 ngày Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (từ ngày 17 đến 20-8), ông J.Biden và các thành viên Dân chủ đã có màn thể hiện khá tốt. Trong các bài phát biểu tại sự kiện được tổ chức trực tuyến này, các diễn giả đều tìm cách nhấn mạnh sự đối lập của ông J.Biden với Tổng thống D.Trump. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Mỹ và hầu hết các sự kiện trực tiếp đều phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến, việc phát biểu chấp nhận đề cử của ông J.Biden được xem là sự kiện rất có ý nghĩa.

Theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông J.Biden luôn dẫn trước Tổng thống D.Trump về khả năng điều hành đất nước, xử lý các vấn đề như: Đại dịch Covid-19, tội phạm, an ninh và tình trạng phân biệt chủng tộc, thậm chí ở cả một số bang chiến địa mà ông D.Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 như Arizona, Florida, Pennsylvania, Wisconsin, Michigan...

Thống kê của trang phân tích bầu cử RealClearPolitics cũng cho thấy ông J.Biden đang tạo ra khoảng cách từ 6% đến 7% so với Tổng thống D.Trump về tỷ lệ ủng hộ trung bình của các cuộc thăm dò. Theo các nhà phân tích, những người ủng hộ ông J.Biden cho rằng việc nước Mỹ quay trở lại với một “chính quyền bình thường, chính thống” đang là điều mà nhiều cử tri quan tâm, tìm kiếm sau những tranh cãi và xung đột bất tận trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống D.Trump.

Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-8 và gần như chắc chắn, ông D.Trump sẽ trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cùng ông J.Biden. Nếu đương kim Tổng thống Mỹ tìm cách phát huy hơn nữa các yếu tố có lợi cho tình hình bầu cử của đảng Cộng hòa, thì đảng Dân chủ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, vẫn còn quá sớm để nhận định rằng ai sẽ đắc cử, bởi từ trước tới nay bầu cử Tổng thống Mỹ luôn ẩn chứa những điều bất ngờ và gay cấn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Bắt đầu cuộc đua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.