Thế giới

Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc đua khó đoán định

Thùy Dương 03/11/2024 - 07:24

Ngày 5-11, hàng triệu người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu quyết định việc ứng cử viên đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Kamala Harris hay ứng cử viên đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Thăm dò dư luận tại các bang "chiến trường" cho thấy, cục diện bám đuổi giữa ông D.Trump và bà K.Harris đang khiến cuộc đua ngày càng trở nên khó đoán định.

cu-tri-bo-phieu-som-tai-ban.jpg
Cử tri bỏ phiếu sớm tại bang Iowa (Mỹ). Ảnh: Charlie Neibergall

Người Mỹ dường như đang chia đều phiếu bầu. Phó Tổng thống K.Harris dẫn trước cựu Tổng thống D.Trump với khoảng cách mong manh 1%. Hầu hết giới bình luận đồng ý rằng, kết quả sẽ được quyết định ở 7 tiểu bang "chiến trường": Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Ở hầu hết các tiểu bang này, hai ứng viên đang trong một cuộc đua sít sao.

Theo Sputniknews, các cuộc khảo sát do Trung tâm Dư luận công chúng Lowell của Đại học Massachusetts và YouGov thực hiện cho thấy, bà K.Harris dẫn trước ông D.Trump về sự ủng hộ của cử tri tại các bang Michigan và Pennsylvania, trong khi ông D.Trump dẫn trước ở bang North Carolina. 49% số người được hỏi ủng hộ Phó Tổng thống K.Harris tại bang Michigan so với 45% ủng hộ cựu Tổng thống D.Trump. Tại tiểu bang then chốt Pennsylvania, bà K.Harris đang dẫn trước ông D.Trump với tỷ lệ lần lượt là 48% và 47%.

Truyền thông Mỹ nhận định, rất khó dự đoán kết quả của cuộc bầu cử nếu chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm, bởi có sai số và phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng. Đảng Dân chủ đang có lợi thế khi khoảng 39,5% số phiếu được bỏ sớm đến từ những người ủng hộ đảng này. Đội ngũ tranh cử của bà K.Harris đã tập trung vận động bỏ phiếu sớm vì họ cho rằng, các nhóm nhân khẩu học quan trọng như người trẻ tuổi có thể vì lý do gì đó sẽ không đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức. Ở chiều ngược lại, khoảng 36,1% số phiếu được bỏ sớm thuộc về đảng Cộng hòa.

Trong bài phát biểu kết thúc chiến dịch tranh cử tại thủ đô Washington hôm 29-10, nơi đảng Dân chủ ước tính có hơn 75.000 người tham gia, Phó Tổng thống Mỹ đã dành phần lớn thời lượng chỉ trích cựu Tổng thống nước này, đồng thời tái khẳng định các cam kết về biên giới, chăm sóc sức khỏe.

Phản hồi chỉ trích của bà K.Harris từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida), ông D.Trump phàn nàn rằng, đối thủ đang vận hành "một chiến dịch thù hận". Đáng chú ý, cựu Tổng thống đã nêu đề xuất bất ngờ về việc, nếu ông đắc cử, chính quyền Mỹ sẽ tịch thu tài sản của các băng đảng tội phạm, ma túy và dùng số tiền đó để lập ra quỹ bồi thường cho những người Mỹ là nạn nhân của tội phạm nhập cư trái phép. Ứng cử viên D.Trump đã đưa nhập cư trở thành một trong những vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử, tuyên bố sẽ tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép. Là một trong những vấn đề "nóng" nhất tại nền kinh tế số một thế giới, bà K.Harris được giao nhiệm vụ giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của làn sóng di cư ngay từ đầu nhiệm kỳ. Việc Phó Tổng thống Mỹ bày tỏ cứng rắn trong vấn đề nhập cư được xem là nỗ lực ghi điểm trong bối cảnh đảng Cộng hòa coi vấn đề nhập cư là một mũi nhọn để công kích ứng cử viên đảng Dân chủ.

Mặc dù nhập cư đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử nhưng kinh tế luôn được coi là vấn đề quan trọng nhất đối với phần lớn cử tri trong cả cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc và các tiểu bang dao động. Giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ được cả Phó Tổng thống K.Harris và cựu Tổng thống D.Trump tập trung nhằm lấy lòng những cử tri còn đang lưỡng lự. Cả hai ứng cử viên đều có những cam kết nhằm thúc đẩy đầu tư cho các ngành sản xuất của Mỹ. Trong khi bà K.Harris cam kết “vạch ra một con đường mới để tiến về phía trước”, ông D.Trump lại nhấn mạnh đến kế hoạch áp thuế toàn diện đối với hàng nhập khẩu.

Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn nước rút, các diễn biến mới sẽ khiến cuộc đua năm nay tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa bà K.Harris và ông D.Trump không chỉ là cuộc đua giữa hai ứng cử viên với nhiều điểm khác biệt, mà còn là cuộc cạnh tranh lựa chọn đường hướng cho tương lai nước Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc đua khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.