Sự nghiệp ở đỉnh cao, tiền tài công danh đã đầy đủ cần phải tĩnh trí lại mà nhận ra đâu là đỉnh núi.
Hình vẽ một con khỉ đưa thư đến, là muốn nói về chuyện vui vẻ; một viên quan cầm gương soi, là ý nghĩa của một Bao Công sáng suốt và chính trực theo câu nói: Gương sáng treo cao. Có ba người cùng gỡ một sợi dây bị thắt nút, là có việc rắc rối, phải cùng nhau giải quyết mới xong. Cấn có nghĩa là sự ung dung, bất động, trầm lặng suy nghĩ cho kín kẽ. Cần có người trợ lực, mở đường hướng cho mình, nhưng không nên sinh tâm lý ỷ lại, vẫn phải góp nỗ lực cá nhân. Cấn tuy là tĩnh, ngưng nghỉ, nhưng phải biết đề phòng và có ý thức suy tính xa. Chuyện cổ chép, xưa có Tử Du làm huyện lệnh Vũ Thành. Một hôm, có con hạc tự nhiên rời tổ đến tấm bia trước ngôi mộ. Ông già trông nghĩa trang bèn báo với Tử Du rằng, hạc là loài chim dự báo mưa, tự nhiên dời tổ chứng tỏ sắp có lụt to. Tử Du nghe vậy bèn lệnh cho nhân dân trong huyện chuẩn bị sẵn thuyền bè. Mấy ngày sau, mưa lũ tràn đến, lụt hết làng và ngập cả ngôi mộ có tổ hạc non. Chim mẹ kêu nhớn nhác rất bi thương. Tử Du chép miệng nhận xét: Có tài dự báo, mà không biết nhìn xa hơn.
Theo Thuyết văn, Cấn là lùi, dừng lại để xem, ngừng hoạt động để suy xét, ôn lại kinh nghiệm. Triệu của Cấn là sơn mạch trùng tăng (trở ngại trùng trùng). Màu sắc quẻ này là thuần vàng sáng, biểu hiện của sự tĩnh mịch và uy nghi, quyền lực tuyệt đối. Trong triết học từ cổ đến kim, tĩnh và động, đi và dừng, lớn và nhỏ, cao và thấp là những cặp phạm trù đi với liền nhau. Binh pháp Tôn Tử cũng lấy động và tĩnh để chiến đấu. Khi không có cơ hội thì nằm im bất động, khi có cơ hội thuận tiện thì phải: Nhanh như gió lốc, chầm chậm chắc như rừng, lấn lướt như lửa, bất động như núi, khó hiểu như bóng, mạnh như sấm sét. Vì thế, Cấn đưa ra nguyên tắc nhân sinh về cách dừng lại đúng lúc đúng nơi:
1. Người xưa vẫn dạy học ăn, học nói, học gói, học mở và càng phải học cả cách tiến, lùi, đi, dừng. Tuy là không di chuyển, vận động, nhưng vẫn phải tính toán để sẵn sàng nhập cuộc ngay khi cần thiết. Cũng có thể hiểu, tạm ngừng để suy xét hoặc lùi lại để tiến cũng vậy. Đời nhà Thanh năm 1854, Tăng Quốc Phiên dẫn quân đánh Thái Bình thiên quốc ở Vũ Hán thắng lợi, nhưng có kẻ xúc xiểm nên bị vua Hàm Phong nghi kỵ không giao thêm quyền nữa. Tăng đợi khi bố đẻ mất, bèn lấy cớ về quê chịu tang, thực ra là lui về nghỉ, đợi tình hình có biến chuyển. Sau đó, quả nhiên khi quân Thái Bình đánh Chiết Giang, quân Thanh thua liên tục, Hàm Phong phải nhờ cậy đến Tăng ra trận và phong ông làm Tổng đốc Lưỡng Giang, kiêm Thượng thư bộ binh và có thực quyền lực. Nhờ đó, Tăng đánh bại quân Thái Bình.
2. Khi đưa ra quyết định tiến hay dừng, là phải có sẵn chủ ý của mình hoặc đã đề ra được sách lược cụ thể. Không để người khác kéo đi, đẩy đi hoặc chỉ biết theo người ta, càng không thể đẽo cày giữa đường. Thời Chiến quốc, Ngụy và Triệu ký hiệp ước hòa bình. Ngụy vương gửi con trai sang Triệu làm con tin và phái quan đại thần Bàng Thông đi theo. Trước khi lên đường, Bàng hỏi Ngụy vương rằng, nếu có người báo trên phố có hổ nhà vua tin không? Nhà vua cười đáp không tin vì không thể có hổ trên đường phố được. Bàng lại hỏi, nếu có hai người nói chuyện ấy thì sao? Nhà vua đáp nếu vậy sẽ nửa tin nửa ngờ. Bàng lại hỏi, nếu có ba người cùng nói vậy? Nhà vua khẳng định sẽ tin. Lúc đó Bàng mới nói: Không thể có chuyện hổ chạy trên phố, nhưng vì ba người cùng nói nên chuyện giả thành thật. Lần này thần sang Triệu, không phải chỉ một người rì rầm sau lưng. Xin Đại vương nghĩ kỹ cho! Ngụy vương tuy đã hiểu vấn đề, nhưng sau khi Bàng ra đi, có rất nhiều người bàn tán nói xấu và nhà vua vẫn tin là thực. Vì thế không theo đuôi người khác, nhưng khi bị áp lực vẫn có thể theo lời người ta, bởi mình không có chủ kiến và lòng tin.
3. Sự nghiệp ở đỉnh cao, tiền tài công danh đã đầy đủ cần phải tĩnh trí lại mà nhận ra đâu là đỉnh núi. Tại điểm đó chỉ có cách trụ vững khôn ngoan, hoặc lui xuống lặng lẽ, còn nếu bước tiếp sang đỉnh khác cao hơn nữa, sẽ rơi xuống vực. Chuyện Tuân Tử chép, có lần Khổng Tử vào miếu Hoàn Công nước Lỗ, thấy một cái lọ dựng nghiêng bèn hỏi người coi miếu, thì biết đó là vật quý của nhà vua thường để bên chỗ ngồi để làm gương. Khổng Tử nhớ ra cái lọ đó để không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng thẳng mà đổ đầy quá thì đổ bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên hiện tượng đúng như vậy. Khổng Tử than: Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ. Tăng Tử hỏi liệu có cách gì giữ cho đầy mà không đổ? Khổng Tử đáp rằng: Thông minh thánh trí thì nên giữ bằng cách ngu độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khỏe hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng nhún nhường; đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy. Nhưng vấn đề là liệu con người ta có ai muốn đổ bớt đi không?
4. Cần có cách thức rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để hiểu biết khách quan, thời cuộc cũng như tự hiểu rõ mình là yếu tố dẫn đến quyết định nên làm tiếp hay thôi. Ngay cả những người học thức cao siêu cũng chủ quan suy xét vấn đề này trước khi hành động. Thời Tây Hán, rất nhiều học giả như Đổng Trọng Thư, Hà Hậu Thắng, Lưu Hương, Kinh Phùng chuyên bàn luận về tai họa. Trọng Thư là người nổi tiếng, đặc biệt tinh thông về lý giải vấn đề này. Năm 135 B.C, ở gần Trường Lăng Cao Tổ xảy ra hỏa hoạn và hai tháng sau miếu Cao Tổ ở Liêu Đông cũng bị cháy. Trọng Thư bình về nguyên nhân của hai vụ cháy này và nhận định không nên xây cung điện gần hai địa điểm trên. Thư còn viết sách nói rõ hai vụ đó là trời cảnh báo cho nhà vua về tình hình nước nhà suy vong. Nhà vua cần tiêu diệt gian tà quý tộc và nịnh thần mạnh mẽ theo cách trời đã thiêu miếu và cung điện. Sách vừa viết xong có tên gian thần Chu Phụ Án đến chơi, lấy trộm dâng lên Vũ Đế. Vũ Đế cho triệu tập các quan để thảo luận. Em trai của Trọng Thư là Bội Thư, không biết đó là sách của chính anh mình nên đã phê phán. Sau đó Trọng Thư bị bắt và xử tội chết. Từ đó các học giả không bàn về tai họa nữa, chắc vì chưa bàn trước về tai họa cho mình.
5. Khi thay đổi trạng thái từ hoạt động sang ngừng nghỉ, dù phục vụ mục đích nào cũng cần chuẩn bị và phải đề phòng đối phương tranh thủ áp sát tìm cách triệt hạ ta. Thời nhà Đường, Quách Tử Nghi có công dẹp loạn nên được phong là Phần Dương Vương. Khi về nghỉ, ông thường vui chơi với thê thiếp, cho biểu diễn ca nhạc trong nhà, gọi nàng hầu ra cùng tiếp khách. Con cháu thấy ông là trọng thần, làm vậy không hay nên góp ý, nhưng ông trả lời: Một ngừơi công cao tước lớn khó tránh khỏi kẻ ghen ghét. Ai dám đảm bảo sẽ không có người ngầm hại ta? Nay ta cứ bộc lộ rõ mọi việc, người khác sẽ không có cớ. Một hôm, đại thần Lư Khởi đến thăm. Quách lại chỉ gọi các con trai cùng ra tiếp khách và chuyện trò linh tinh, tuyệt nhiên không đả động gì đến đại sự quốc gia. Sau đó, các con thấy lạ mới hỏi, Quách giải thích: Ta tránh gây ra cái họa từ cười đùa đó. Các thê thiếp của ta nhìn thấy lão Lư dị hình quái đản chắc sẽ cười cợt, lão Lư sẽ hận thù rồi sau này gây rắc rối cho ta. Ta cho thê thiếp lui đi, nói chuyện phiếm để trách họa là vậy.
6. Tận dụng mọi khả năng và cơ hội để làm lại, bắt đầu tìm hướng phát triển mới cho chặng đường tiếp theo của mình, nếu như phải dừng họăc bị chặn lại giữa đường. Thời Nhà Tống năm 1259, quân Mông Cổ tràn qua Trường Giang bao vây Vũ Xương làm triều đình kinh hoàng. Các hoạn quan đứng đầu là Lê Đổng, Tống Thần chủ trương dời đô. Văn Thiên Tường đã dâng sớ can vua và đề nghị chém đầu Tống Thần. Nhưng bọn hoạn quan đã giấu kín tờ sớ này. Biết bọn gian nịnh đang lộng quyền, Văn Thiên Tường bỏ về quê, tự tổ chức lực lượng đánh quân Nguyên Mông. Năm 1276, triều đình Nam Tống bổ nhiệm ông làm Hữu Thừa tướng, dẫn các đại thần tới doanh trại quân Nguyên để đàm phán. Tướng Nguyên là Bá Nhan ép ông đầu hàng không được, đã bắt giữ ông, nhưng ông trốn thoát tới Ôn Châu tiếp tục tổ chức lực lượng chống lại quân Nguyên, giành lại rất nhiều đất đai. Năm 1287, khi đang trấn giữ Quảng Đông, ông bị phản bội nên đã sa vào tay giặc Nguyên và bị quân thù xử chém.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.