(HNM) - Nội dung của 5 chương trình công tác toàn khóa Thành ủy Hà Nội thông qua đã được các Thành ủy viên đánh giá cao, cũng như thể hiện rõ quyết tâm cùng cấp ủy, cơ quan, đơn vị bắt tay ngay vào thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi:
Chọn cho được cán bộ dám nghĩ, dám làm
Bên cạnh kế thừa Chương trình 01 của nhiệm kỳ trước, Chương trình "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh" có nhiều điểm mới phù hợp với tình hình hiện nay.
Mặt khác, theo tôi, việc thực hiện chương trình này phải hướng đến việc lựa chọn được cán bộ lãnh đạo, quản lý "dám nghĩ, dám làm", khắc phục được tình trạng hiện nay có những cán bộ lãnh đạo, quản lý hễ làm thấy khó là né.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ:
Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân
Hết năm 2015 toàn thành phố đã có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 103 xã đạt 15-18 tiêu chí, số còn lại đạt khoảng 10-14 tiêu chí. Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố phải có từ 80% trở lên số xã đạt chuẩn, như vậy là còn khoảng 30% số xã nữa phải hoàn thành 19 tiêu chí, tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Trước mắt, thành phố và huyện sẽ tập trung đầu tư kinh phí phát triển hạ tầng, giao thông thủy lợi nội đồng nhằm phát triển sản xuất; có cơ chế đặc thù bảo đảm chuẩn về các thiết chế trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, khu vui chơi giải trí theo chuẩn mới, tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ, nâng cao chất lượng sống.
Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải:
Cải cách hành chính - nơi nào cũng cần
Tôi rất đồng tình với nội dung Chương trình "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016-2020". Tuy nhiên, để thực hiện các chỉ tiêu của chương trình, cần phải triển khai các bước rất cụ thể, đi vào thực tiễn. Ví dụ, để thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì phải hết sức quan tâm, có giải pháp để người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đó. Hiện nay, Nam Từ Liêm được thành phố cho thí điểm xây dựng "chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm". Tôi nghĩ rằng, 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành cũng nên làm mô hình này.
Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Cường:
Giữ ổn định ngay từ cơ sở
Chương trình "Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới" đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp rất toàn diện và thiết thực. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, nên các địa phương sẽ phải nỗ lực thực hiện thật tốt. Để thực hiện tốt chương trình này, tôi cho rằng, cần tăng cường đối thoại người đứng đầu cấp ủy với nhân dân. Đối thoại trước hết ở dưới cơ sở, ngay khi sự việc, vấn đề nảy sinh. Làm được như vậy, chúng ta sẽ ổn định được tình hình từ cơ sở. Ngoài ra, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp quyết liệt đối với các đối tượng cố tình làm mất an ninh, trật tự, bất chấp luật pháp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến:
Quy tắc ứng xử phải đi kèm chế tài
Tôi hoàn toàn nhất trí việc Thành ủy xác định trong Chương trình "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020" là sẽ đầu tư 8-10% ngân sách hằng năm cho phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Giáo dục, y tế đều đã được đầu tư xứng đáng, văn hóa được đầu tư như vậy là rất phù hợp và cần thiết. Tôi cho rằng, thành phố cần phải coi xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội là khâu đột phá nhiệm kỳ này. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc ban hành quy tắc ứng xử của người Hà Nội, chúng ta cần phải xây dựng chế tài để xử lý phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.