(HNM) - Ba ngày sau cuộc bạo loạn khiến 3 người thiệt mạng, 150 người bị thương, căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Albania khi đảng Dân chủ cầm quyền và các phe phái đối lập không ngừng công kích lẫn nhau.
Trong một phiên họp đặc biệt, quốc hội nước này đã quyết định mở cuộc điều tra về vụ biểu tình đẫm máu cuối tuần qua. Thủ tướng Sali Berisha gọi đây là một âm mưu đảo chính do các đảng đối lập phát động và đổ lỗi cho những phần tử cực đoan về cái chết của 3 người kể trên. Ngược lại, các nhà lãnh đạo đối lập đã tẩy chay phiên họp này và cho rằng lực lượng chính phủ đã nổ súng vào những người biểu tình.
Albania đang trải qua những bất ổn nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. |
Bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của đại diện quốc tế, cả phe đối lập lẫn lực lượng ủng hộ chính phủ đều đã thông báo sẽ tổ chức các cuộc biểu tình mới. Phát biểu tại lễ tang những nạn nhân thiệt mạng trong vụ đụng độ này, lãnh đạo đảng Xã hội đối lập kiêm Thị trưởng Tirana - Edi Rama, đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ nữa vào ngày 28-1. Còn Thủ tướng Sali Berisha cũng kêu gọi những người ủng hộ ông tụ họp tại Tirana vào ngày 29-1 tới trong cuộc mít tinh chống bạo lực. Ngoài ra, trong một động thái nhằm lôi kéo sự hậu thuẫn của người dân, ông S.Berisha đã quyết định cấp cho lực lượng cảnh vệ 1 tháng lương và những người bị thương tích trong cuộc biểu tình 4 tháng lương. Đây được cho là một hành động của người đứng đầu Chính phủ Albania nhằm ngăn chặn sớm khả năng "nhập khẩu" vào Balkans kiểu "cách mạng hoa nhài" ở Tunisia - đang khiến các quốc gia Bắc Phi chao đảo.
Dù gì, Albania và Tunisia cũng có một số điểm tương đồng. Là một trong những quốc gia nghèo nhất của khu vực, Albania từng nhiều năm chìm trong bất ổn sau khi hệ thống XHCN ở Đông Âu tan rã vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Mặc dù là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đang xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song tình hình kinh tế của đất nước 3,2 triệu dân này không mấy tương xứng với cái tên Albania (dịch ra là "Đứa con của đại bàng"). Tỷ lệ thất nghiệp cao, đời sống không được cải thiện, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, trong khi tham nhũng hoành hành là lý do khiến người dân không tin tưởng vào chính phủ. Hậu quả là bất ổn luôn rình rập quốc gia nhỏ bé này.
Cuộc bạo loạn ngày 21-1 được xem là đỉnh điểm cho những căng thẳng tại Albania từ sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6-2009 tới nay. Trong cuộc "cạnh tranh" khắc nghiệt này, đảng Dân chủ của Thủ tướng Berisha chỉ thắng cử với tỷ lệ sít sao. Tuy nhiên, lấy lý do đối thủ gian lận phiếu bầu, đảng Xã hội đối lập lớn nhất phủ nhận kết quả và đòi tổ chức bầu cử lại. Bế tắc chính trị tại Albania kéo dài từ tháng 6-2009 tới tận cuối tháng 2-2010 mới được khai thông khi đảng Xã hội chấp nhận kết quả bầu cử. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị vẫn luôn tiềm ẩn trên chính trường Albania và bùng phát trở lại khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ilir Meta, một đồng minh lớn của ông Berisha, buộc phải từ chức ngày 14-1 vừa qua vì bị cáo buộc tham nhũng.
Trước đó, một kênh truyền hình tư nhân nổi tiếng của Albania đã phát đoạn băng hình cho thấy hồi tháng 3-2010, ông Meta, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao, đã thuyết phục Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Dritan Prifti để cho một công ty "ruột" thắng thầu xây dựng một nhà máy thủy điện. Công ty này được cho là đã hứa dành cho các vị bộ trưởng khoản hoa hồng 10% tổng giá trị công trình, trị giá 700.000 euro.
Lo ngại vụ bạo lực nghiêm trọng nhất Albania trong hơn 10 năm qua trở thành một ngòi nổ cho sự bất ổn tại Balkans cũng như cả khu vực - đang phải dốc sức đối phó với cơn "bão" nợ - EU đã lên tiếng kêu gọi các phe phái chính trị ở nước này giảm căng thẳng. Song chưa có tín hiệu nào cho thấy sóng gió sẽ sớm lặng yên tại đất nước nhiều đồi núi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.