(HNM) - Chưa đầy 3 tháng sau cuộc tổng tuyển cử được cho là đánh dấu thất bại cay đắng của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại phải đi bỏ phiếu một lần nữa để bầu ra bộ máy lãnh đạo đất nước.
Hiện trường vụ đánh bom bên ngoài cung điện Dolmabahce ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). |
Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã sẵn sàng giải tán chính phủ tạm thời của Thủ tướng Ahmet Davutoglu và kêu gọi thành lập một chính phủ quá độ nếu như các đảng phái không đạt được thỏa thuận trước ngày 23-8 tới. Điều này có nghĩa là một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập với quyền lực được chia đều cho 4 đảng phái trong Quốc hội để chờ kết quả cuộc bầu cử mới diễn ra trong vòng 45 ngày sau đó.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán giữa AKP (đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử ngày 7-6) nhưng mất thế đa số để độc lập thành lập chính phủ - lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002 - với các đảng đã kết thúc từ cách đây một tuần. AKP không đạt được thỏa thuận liên kết với bất kỳ đảng nào trong số 3 đảng có chân trong Quốc hội khóa mới, gồm: đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), MHP và đảng Dân chủ của người Kurd (HDP).
Trong cuộc đàm phán cuối cùng với lãnh đạo CHP, AKP đề nghị thành lập một "chính phủ cải cách trung hạn" đã không nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, lãnh đạo CHP Kemal Kilicdaroglu cho biết "không hề" nhận được đề nghị liên minh từ AKP mà chỉ được phép lựa chọn hoặc thành lập một chính phủ ngắn hạn chờ bầu cử trước thời hạn hoặc ủng hộ chính phủ thiểu số của AKP. CHP cho rằng, đảng cầm quyền rõ ràng không hề muốn thành lập liên minh dài hạn và bền vững trong vòng 4 năm với CHP. Trước đó, các đảng phái khác cũng từ chối gia nhập chính phủ liên minh cùng AKP trừ khi Tổng thống R.Erdogan từ bỏ hy vọng về một hệ thống quyền lực tối cao của tổng thống. Sở dĩ có điều kiện này là vì, trong những năm gần đây, Tổng thống T.Erdogan từng bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng để chi phối Quốc hội, bất chấp quy định của Hiến pháp.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, với tình hình hiện nay, một cuộc bầu cử trước thời hạn không phải là giải pháp hữu hiệu. Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ phải lặp lại kịch bản tương tự những gì diễn ra sau cuộc bầu cử ngày 7-6 là rất cao. Điều này có nguy cơ khiến đất nước nằm trên 2 lục địa Á - Âu đối mặt với tình trạng trống quyền lực trong một thời gian ít nhất là 4-5 tháng nữa.
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang khai hỏa cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq, khủng hoảng chính trị có thể sẽ đẩy kinh tế và xã hội nước này vào nguy cơ bất ổn. Bằng chứng là chỉ chưa đầy một tuần, thông tin về khả năng phải bầu cử trước hạn đã làm suy yếu các thị trường, khiến đồng nội tệ lira mất giá kỷ lục tới 2,7% giá trị so với đồng USD, đe dọa tới tâm lý tiêu dùng và sức hút đầu tư.
Ngày 19-8, đã có nhiều tiếng súng và bom nổ bên ngoài cung điện Dolmabahce ở Istanbul, một trong những thành phố thu hút nhiều du khách và cũng là nơi đặt trụ sở Văn phòng Thủ tướng A.Davutoglu. Cùng ngày, ít nhất 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 7 người bị thương khi một quả bom được kích nổ bằng thiết bị điều khiển từ xa nhằm vào đoàn xe quân sự ở huyện Silvan, tỉnh Siirt ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc xảy ra ngay sau khi IS kêu gọi người dân nước này gia nhập tổ chức khủng bố và tiến hành các cuộc tấn công chống lại chính phủ. Dư luận khu vực tỏ ra lo ngại, nếu khủng hoảng chính trị không sớm được giải quyết, tiến trình hòa bình với người Kurd đi vào ngõ cụt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào tình trạng bất ổn. Đây thật sự là thảm họa cho không chỉ với một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà còn cả với khu vực Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.