Những vụ đại hạ giá gần đây là những kết quả đã được dự báo của thị trường bất động sản (BĐS) sau nhiều năm bị giới đầu tư thổi giá lên quá cao so với giá trị thực.
Hiện tượng này có thể sẽ kéo theo những hệ lụy xấu cho xã hội khi hệ thống ngân hàng đối mặt với tình trạng nợ xấu, hoặc "nạn dịch" vỡ nợ trong giới đầu cơ. Song, bong bóng nào rồi cũng sẽ phải vỡ, và sự thực dẫu đau đớn vẫn ít tồi tệ hơn so với sự phồn vinh giả tạo của một thị trường thiếu minh bạch.
Căn hộ "đại hạ giá" của Petro LandMark tại quận 2, TP HCM |
Hơn một thập niên tăng trưởng của thị trường BĐS Việt Nam chứa đựng vô vàn sự phi lý. Với sự hỗ trợ, “tài trợ” gần như vô điều kiện của các ngân hàng mọc ra như nấm, gần như ai cũng có thể trở thành chủ đầu tư dự án BĐS trong thời gian qua.
Trên thực tế, chỉ cần xin được dự án, các chủ đầu tư lập tức được ngân hàng rót vốn để thực hiện nên có không ít chủ đầu tư thậm chí không cần vốn liếng vẫn có thể thực hiện các dự án khổng lồ và không cần tuân theo thực tế cung cầu. Ví dụ điển hình là trong khi nhu cầu thực về nhà ở phần lớn nằm ở những người có thu nhập trung bình và thấp, thì các sản phẩm của thị trường lại tập trung vào các dự án cao cấp.
Sự thoải mái về nguồn vốn của các chủ đầu tư, cùng với thông tin về BĐS tại Việt Nam thiếu hẳn sự minh bạch và trung thực, nên các nhà đầu cơ lợi dụng tối đa khe hở này để thực hiện những thủ thuật, và đôi khi phi pháp, từ việc quảng cáo hay phóng tin đồn sai sự thực đến việc làm giá qua các giao dịch ngầm. Có lẽ ít có nơi nào khách hàng lại phải chật vật với việc tiếp xúc với chủ đầu tư dự án như ở ta. Việc mua bán dự án BĐS diễn ra không khác gì bán hàng đa cấp, và mỗi một cấp độ thì giá lại thêm một lần được nâng lên chẳng cần bất cứ cơ sở nào.
Trong nhiều năm qua, một căn hộ, một lô đất dự án, khi đến tay người có nhu cầu, thậm chí giá đã được đẩy lên gấp 2, gấp 3 lần so với giá gốc của chủ đầu tư. Sự phi lý này ai cũng biết, song các nhà đầu tư thứ cấp vẫn chấp nhận bởi nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là nhu cầu lớn về nhà ở là hoàn toàn có thật. Thứ hai là tâm lý đám đông của các nhà đầu tư thứ cấp. Tiếp theo, và quan trọng nhất, là chính sách của Nhà nước khiến dòng tiền đổ vào BĐS luôn dồi dào. Trong khi đó, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ thì không an toàn hoặc bị ngăn cản.
Gần một năm qua, khi dấu hiệu suy thoái của thị trường BĐS manh nha, quan điểm bơm tiền giải cứu liên tục được đề cập. Các ngân hàng đã đua nhau rót vốn vào BĐS khi thị trường tăng trưởng buộc phải theo đuổi, đáo nợ, thậm chí đổ thêm vốn khi thị trường đi xuống với hy vọng sẽ nhanh chóng phục hồi để thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố phi lý đều không thể tồn tại mãi. Các ngân hàng không thể mãi kiên nhẫn với nợ xấu, và cũng như cách mà giá được thổi lên, tâm lý bầy đàn dẫn đến bán tháo cũng xuất hiện khi có một chủ đầu tư không chịu nổi nhiệt, buộc hạ giá để thu hồi vốn.
Bong bóng nào rồi cũng sẽ vỡ. Thị trường BĐS đã đến lúc chia tay với những phi lý. Đó có thể sẽ là một trận ốm nặng, thậm chí là sốt cao. Song, đó là một trận sốt cần thiết để đào thải những tế bào yếu ớt. Những doanh nghiệp không đủ tiềm lực phải rút khỏi thị trường, giới đầu cơ cũng không thể găm hàng để giữ giá, và người có nhu cầu sẽ tiếp cận được cơ hội sở hữu nhà với đúng giá trị thật của nó. Một trận sốt cao là cần thiết để thức tỉnh sau cơn mê sảng kéo dài nhiều năm qua. Thị trường BĐS sẽ trở lại khi mà nhu cầu là điều hoàn toàn có thật trong xã hội. Và sự trở lại sau giấc mơ dài sẽ là một trạng thái tỉnh táo, là sự minh bạch của thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.