Thị trường bất động sản Tây Nguyên đang có những bước phát triển sôi động, trong đó Gia Lai nổi lên là điểm sáng đầu tư nhờ những bước tiến về hạ tầng và chính sách mở cửa.
“Sóng mới” ở Tây Nguyên
Tây Nguyên được xem là khu vực giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của cả nước.
Nằm trên trục xuyên Á, các tỉnh Tây Nguyên có kết nối huyết mạch với tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng nơi đây đang ngày càng được nâng cao chất lượng và đồng bộ hóa với 5 cửa khẩu, 3 sân bay quốc tế và hàng loạt tuyến quốc lộ đóng vai trò trung chuyển như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14C, quốc lộ 19, 20…
Cùng với lợi thế hội tụ nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú, thổ nhưỡng phì nhiêu và kho tàng văn hóa sử thi đồ sộ, độc đáo bậc nhất cả nước, Tây Nguyên được đánh giá là vùng đất có tiềm năng dồi dào để thu hút đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Nguyên đạt mức 7,3%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Dự báo hết năm 2019, tốc độ tăng trưởng của vùng đạt 8,5%.
Sự cộng hưởng từ kinh tế tăng trưởng tích cực, hạ tầng kết nối thuận lợi và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, Tây Nguyên trở thành vùng đất đầy sức hút đối với các nhà đầu tư địa ốc.
Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, cơn sốt đất nền bùng phát mạnh tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí lan rộng đến khu vực Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Đắc Lắk, Gia Lai, Kon Tum…
Sự xuất hiện của hàng loạt dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được đầu tư bởi các thương hiệu lớn như BRG, Tập đoàn FLC, Văn Phú Invest, T&T Group… không chỉ đáp ứng đáng kể nhu cầu lưu trú, giải trí ngày càng cao cho cư dân và du khách, mà còn góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị, dịch vụ của khu vực.
Gia Lai - Điểm đến giàu tiềm năng
Trong làn sóng đầu tư dịch chuyển vào Tây Nguyên, Gia Lai được xem là một trong những điểm đến giàu tiềm năng nhờ sở hữu quỹ đất tự nhiên rộng lớn nhất khu vực và kinh tế - xã hội phát triển ổn định.
Theo quy hoạch chung được Chính phủ phê duyệt, Gia Lai được xem là trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và “vùng động lực” trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tốc độ đô thị hóa của Gia Lai đang diễn biến mạnh mẽ, dự báo đến năm 2025, tốc độ đô thị hóa tại tỉnh đạt khoảng 35% và tăng lên 45% vào năm 2035.
Trước nhu cầu lưu trú và dịch vụ ngày càng gia tăng, tỉnh Gia Lai đã xác định tập trung thu hút nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch triển khai các khu dân cư, đô thị mới hiện đại nhằm đưa thành phố Pleiku sớm đáp ứng đủ các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2020.
Sự thăng hạng liên tiếp trong bảng xếp hạng PCI trong những năm qua, điển hình là thành tích tăng 10 bậc PCI năm 2018 đã cho thấy nỗ lực và quyết tâm của chính quyền Gia Lai trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.
Chính những điều này đã tạo thành động lực góp phần đưa Gia Lai trở thành một trong những điểm đến đầu tư bất động sản đầy tiềm năng tại khu vực Tây Nguyên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản Gia Lai từ đầu năm đến nay có dấu hiệu tăng trưởng tốt, đặc biệt là đất nền ở khu vực trung tâm như thành phố Pleiku. Trên các tuyến phố trung tâm như Cách mạng Tháng Tám, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thất Tùng, Phù Đổng… và nhiều khu vực hẻm, giá đất cũng cao gấp nhiều lần trước đây. Lượng khách mua cũng đa dạng hơn với nhiều khách hàng đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ven Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị, thương mại và du lịch cũng đang được hình thành như: Dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại FLC Hilltop Gialai, Khu đô thị Cầu Sắt, Khu dân cư SH-Land, Khu phố mới Hoa Lư, Khu đô thị TTTM Hội Phú, Vincity Gia Lai… mang đến những nguồn cung mới, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở cao cấp cho thị trường. Đồng thời, giúp Gia Lai tiếp tục thu hút đầu tư và tạo ra tiềm năng tăng giá bất động sản trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.