(HNM) - Để thực hiện được mục tiêu của Năm An toàn giao thông quốc gia 2012, Hà Nội cần phải đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông...
Chấp hành luật lệ giao thông là góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Thái Hiền
Thiếu ý thức - nguyên nhân chính gây ùn tắc, TNGT
Trình bày đề dẫn tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Hà Nội là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước về xây dựng VHGT. Từ nhiều năm nay, phong trào đã được hưởng ứng, ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên, TP bước đầu thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, mỗi khi ra đường vẫn bắt gặp những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông. Thực tế ở Thủ đô Hà Nội cho thấy, tắc đường, tai nạn, thiếu văn hóa trong giao thông không phải hoàn toàn do hạ tầng mà trước hết do ý thức của con người.
Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt CATP Phạm Văn Hậu chia sẻ, lỗi mà người tham gia giao thông mắc phải là không quan tâm đến việc họ "có được đi hay không theo đúng quy định của pháp luật" mà chỉ quan tâm đến việc họ "có đi được hay không theo ý thức chủ quan". Vì vậy, dẫn đến tình trạng đi lấy được và ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi. Thống kê năm 2011, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 100 vụ TNGT và ùn tắc giao thông nguyên nhân do người tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu. Trong năm cũng xảy 41 vụ chống người thi hành công vụ.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng còn có nguyên nhân khác dẫn đến ùn tắc và TNGT như bất cập trong công tác quản lý hè đường, nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán diễn ra phổ biến. Hà Nội hiện có 1.245 điểm, bãi đỗ xe có phép, đáp ứng 8-10% nhu cầu, còn lại khoảng 90-92% số phương tiện đỗ ở các vị trí không được cấp phép, trong đó có nhiều điểm vi phạm về trật tự, ATGT… Khảo sát trên 220 tuyến phố chính của 7 quận nội thành, có tới 4.530 điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Bắt đầu từ việc nhỏ
Ông Nguyễn Văn Dư, chuyên gia trong lĩnh vực ATGT của Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) ví chống ùn tắc và giảm TNGT như một cuộc chiến thực sự, muốn thắng lợi phải xây dựng được "nền VHGT". Ông Dư cho biết, vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản từng đối mặt với ách tắc và TNGT. Người dân Nhật khi đó ra đường có khẩu hiệu "mời bạn đi trước", có nghĩa xem nhường đường là nét văn hóa. Hà Nội hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất như vậy để hình thành VHGT.
Các đại biểu đề xuất, TP cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung thành vệt, để giúp người dân nhớ lâu, ngấm sâu và thực hiện. Hệ thống tuyên giáo của TP và các ngành, các cấp cần đẩy mạnh giáo dục pháp luật về TTATGT bằng hình thức phong phú, đa dạng, tạo nên một phong trào sâu rộng trong cộng đồng dân cư, mỗi cơ quan, trường học, qua đó từng bước hình thành ý thức ứng xử văn hóa trong giao thông.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, Hà Nội đang thực hiện 3 nhóm giải pháp tổng thể là cải tạo hạ tầng giao thông, tăng cường tuyên truyền và tuần tra xử lý các vi phạm về ATGT. Trong đó, TP đặc biệt chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xác định đúng những hành vi mất ATGT cần điều chỉnh. Với hai lực lượng chính là hệ thống chính trị các cấp và nhà trường, nội dung xây dựng VHGT được tuyên truyền theo mục tiêu "3 cần, 3 không và 3 kiên" (cần tự giác thực hiện luật, cần tôn trọng trật tự và nhường nhịn nhau, cần tập trung lái xe; không uống rượu, không chen lách xô đẩy, không lấn chiếm vỉa hè; kiên quyết xử lý vi phạm, kiên quyết không để lấn chiếm vỉa hè, kiên quyết không để bất cứ ai mua chuộc).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.