(HNM) - Hôm nay (5-9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học 2011-2012, năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Trong năm học này, Bộ GD-ĐT đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm là: nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy.
Theo ý kiến của PGS Văn Như Cương, thực chất 4 nhiệm vụ trên là những nhiệm vụ thường xuyên mà năm học nào ngành giáo dục cũng phải thực hiện. Do đó, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, bước đột phá của năm học 2011-2012 chính là việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học. Và điều này cũng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, toàn ngành giáo dục sẽ triển khai điều chỉnh nội dung SGK theo hướng tinh giản cùng với việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu xác định chuẩn năng lực người học và tạo điều kiện để giáo viên có thời gian phát huy khả năng tư duy sáng tạo. Đây là những vấn đề hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của xã hội trước những đòi hỏi ngày càng cao của quá trình phát triển. Tuy nhiên, những tham vọng đó chắc chắn không thể hoàn thành toàn diện chỉ trong một năm học, vấn đề là ở chỗ có thực sự tạo ra bước đột phá bằng những hiệu quả cụ thể trong thực tế hay không?
Muốn thực hiện được nhiệm vụ trên nhất thiết phải thực hiện bằng được yêu cầu giảm tải cho cả người dạy và người học. Nhiều thầy, cô giáo từng tâm sự, họ đứng lớp, giảng bài cho học sinh không khác gì một cái máy; dạy đủ và đúng theo chương trình đã "toát mồ hôi", còn đâu thời gian mà tư duy với sáng tạo. Trong khi đó, dù đã được bổ sung một số chế độ ưu đãi, song đối ngược với những cụm từ "nghề cao quý", "trách nhiệm cao quý"... mà những người công tác trong ngành giáo dục rất đỗi tự hào thì đồng lương họ được hưởng xem ra lại quá khiêm tốn so với những nhu cầu tối thiểu. Vậy nên người làm nghề khó mà toàn tâm toàn ý với công việc mình đang thực hiện... Còn về phía học sinh thì sao? Bắt đầu vào lớp 1 - lớp học mà xưa các cụ vẫn gọi yêu là "đại học chữ to", những đứa trẻ mới 5-6 tuổi đã phải mướt mải chạy đua với những chương trình ôn luyện để phục vụ thi tuyển. Trong khi đó, bố mẹ học sinh cũng phải tham gia những cuộc đua chạy trường, chạy lớp, cả trong luồng (xếp hàng xin học cho con từ nửa đêm), cả ngoài luồng (xin xỏ, tận dụng các mối quan hệ quen biết và sức nặng của những chiếc phòng bì). Vào học lớp 1 đã vậy, các lớp học trên, các cấp học trên, học sinh và cha mẹ học sinh có vất vả hơn thì cũng không có gì lạ. Những chiếc cặp cứ thế nặng dần, rồi học sinh của chúng ta không thể đeo trên vai mà phải kéo xe đẩy như mang đồ đi du lịch. Suốt ngày xoay vần với con chữ, từ học chương trình chính thống rồi đi học thêm, vào lò luyện, tỷ lệ học sinh "bốn mắt" và mắc những bệnh "đặc thù" như vẹo cột sống... ngày càng khiến xã hội lo lắng...
Tất cả điều đó cho thấy, đã đến lúc cả người dạy và người học đều phải cần giảm tải. Và phục vụ cho điều đó phải thực hiện hàng loạt công việc: SGK không thể nặng nề, chồng chéo, hoặc thay đổi liên tục như thời gian vừa qua; chương trình học tập phải có những chuẩn cụ thể về kiến thức; nội dung tinh giản phải tính toán đến tính lôgíc và thống nhất giữa các môn học, cấp học; phương pháp dạy học kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, phát huy kỹ năng tư duy sáng tạo và cả kỹ năng sống cho học sinh; điều kiện cơ sở trường, lớp; chế độ đãi ngộ phù hợp đối với giáo viên... Có thể khẳng định, những công việc nêu trên, chỉ riêng ngành GD-ĐT cố gắng, nỗ lực là chưa đủ, toàn xã hội đều phải vào cuộc và nhận thức toàn diện về vai trò quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển của đất nước.
Năm học mới, những kỳ vọng mới lại được đặt ra đối với cả người dạy và người học. Và mong muốn của xã hội là phải có những bước chuyển rõ nét về công tác GD-ĐT mà bắt đầu từ việc giảm tải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.