Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập trong QL trò chơi trực tuyến: DN nội thua trên sân nhà

Việt Nga| 04/07/2013 07:20

(HNM) - Bên cạnh mặt tích cực, trò chơi điện tử  cũng gây ra không ít tiêu cực, từng gây bức xúc trong dư luận...


Điều này vô hình trung gây ra sự bất bình đẳng cho DN trong nước với DN nước ngoài kinh doanh game online... Ngày 3-7, tại Hà Nội, Bộ TT-TT tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý game online, nhằm tháo gỡ những bất cập trong lĩnh vực này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu game tại thị trường Việt Nam năm 2012 đạt khoảng 250 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng. Các DN game cũng đem lại việc làm cho 7.500 người.

Theo báo cáo của Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), đến tháng 7-2013 có 117 game online được phép phát hành tại Việt Nam (trong đó có 44 game đã ngừng chơi). Ngoài ra, thị trường còn có nhiều game lậu (gồm cả game trực tuyến và không trực tuyến) do DN nước ngoài phát hành trái phép vào Việt Nam, hoặc có thể do DN trong nước trốn phép phát hành qua máy chủ đặt ở nước ngoài. Theo Thanh tra Bộ TT-TT, thực tế trên thị trường có hơn 200 game cung cấp trên internet và hàng nghìn game cung cấp qua mạng di động, mạng xã hội, gấp nhiều lần số game được cấp phép.

Như vậy, có thể thấy, tuy cơ quan quản lý nhà nước tạm ngừng cấp phép, thị trường game vẫn hết sức sôi động. Do không được cấp phép kinh doanh trò chơi mới, DN trong nước bị mất khách trong khi người chơi tìm đến game của nước ngoài vốn xuất hiện tràn lan trên mạng. Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng cho DN trong nước… Lãnh đạo nhiều DN kinh doanh dịch vụ này như FPT Online, Vinagame (VNG), VTC Online cho biết, gần hai năm qua họ gặp rất nhiều khó khăn, có DN thậm chí tăng trưởng âm ở mảng kinh doanh game… Các DN và đại diện Hiệp hội Truyền thông số đều có chung kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tái thẩm định cấp phép để DN tiếp tục phát hành game.

Như đã nói ở trên, cuối năm 2010 Bộ TT-TT đã tạm ngừng cấp phép game mới do sức ép dư luận xã hội. Song, một nguyên nhân quan trọng khác là một số quy định trong Thông tư liên tịch 60/2006 giữa các Bộ Văn hóa - Thông tin, Bưu chính - Viễn thông và Công an sau một thời gian áp dụng có nhiều bất cập và không phù hợp với thực tế… Trong khi chờ thông tư mới, đã hai lần Bộ TT-TT trình dự thảo quyết định của Thủ tướng ban hành quy chế về quản lý, cung cấp, sử dụng trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nghị định thay thế Nghị định 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tư điện tử trên internet. Phần dự thảo quy chế về game online được đưa vào nghị định mới này. Dự kiến, văn bản thay thế Nghị định 97 sẽ được ban hành trong thời gian tới với những quy định cụ thể về quản lý game online. Trong đó có các quy định nhằm ngăn chặn trò chơi bất hợp pháp; mở rộng phạm vi quản lý tới 3 nhóm trò chơi, quy định về độ tuổi…

Được biết, Bộ TT-TT đã có báo cáo gửi Chính phủ, xin được tiếp tục thẩm định, cấp phép với các game có nội dung lành mạnh. Bộ cũng thành lập hội đồng thẩm định game có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành chức năng… Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN, đại diện các hiệp hội, đồng thời chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xem xét, rà soát hơn 70 hồ sơ đang chờ xin cấp phép. Game nào có nội dung lành mạnh sẽ được cấp phép…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong QL trò chơi trực tuyến: DN nội thua trên sân nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.