(HNM) - Vụ việc
Tình trạng quá tải, học phí cao khiến cánh cửa trường mầm non công lập trở nên xa vời với con em người lao động nghèo, người nhập cư. |
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 870 trường mầm non, trong đó có 419 trường công lập và 451 trường ngoài công lập (bao gồm trường mầm non tư thục và lớp nhóm trẻ mầm non). Tổng cộng có 309.000 trẻ em đang theo học tại các hệ thống trường mầm non trên, trong đó có 161.000 em học tại hệ thống công lập và 148.000 em học tại các trường lớp ngoài công lập. Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, các trường mầm non công lập có học phí thấp thì đang quá tải, không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân, trong khi các trường tư thục lại thu học phí cao, vì vậy việc tìm một chỗ gửi trẻ cho những người có thu nhập thấp hiện rất khó khăn, đặc biệt là những người lao động nghèo, người nhập cư, công nhân tại các KCN, KCX trên địa bàn thành phố. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nở rộ dịch vụ giữ trẻ "chui".
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức (địa bàn xảy ra vụ "bảo mẫu" Hồ Ngọc Nhờ bạo hành, gây tử vong bé trai 18 tháng tuổi ngày 16-11 vừa qua) cho biết, do đặc thù địa bàn là nơi tập trung nhiều KCN, KCX nên số lượng con em công nhân cũng đông, vì thế việc gửi con cho các cơ sở giữ trẻ tự phát, không có giấy phép không phải là chuyện hiếm.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh, với những nơi giữ trẻ "chui", không bảo đảm mọi điều kiện, bản thân những người giữ trẻ cũng không có trình độ, nghiệp vụ thì nguy cơ rủi ro rất cao. "Đặc biệt, nếu gửi vào những nơi không đáng tin cậy này, nếu chẳng may các em bé bị bạo hành thường xuyên thì sẽ gây tâm lý không tốt trong quá trình hình thành tính cách", bà Thanh cảnh báo.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổ trưởng Tổ 10 (khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức), địa bàn khu phố này hiện có khoảng trên 2.000 hộ dân, trong đó khoảng 70% là người nhập cư. Vì thế địa bàn dân cư luôn có sự thay đổi, xáo trộn, công tác quản lý hành chính gặp nhiều khó khăn. Ông Minh cho biết, đa số người thuê nhà là công nhân, lao động nghèo, thường gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát, bởi một phần không có tiền gửi ở các nhà trẻ, lớp mầm non chính quy, phần nữa do giờ giấc làm việc của bố mẹ thường không cố định.
Làm việc tại khu công nghệ cao thành phố (quận 9), chị Lã Thị Mây (quê Phú Yên) cũng như ngồi trên đống lửa khi nghe tin vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị tử vong. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, đồng lương ít ỏi, thường xuyên phải làm tăng ca, thế nên đã gần 3 tháng nay chị phải gửi cậu con trai gần 1 tuổi rưỡi của mình cho một phụ nữ ở cùng xóm trọ trông, với chi phí 1 triệu đồng/tháng. "Hầu như chỉ được gặp con vào buổi tối, còn ban ngày vợ chồng tôi đành phó mặc cho "bảo mẫu". Dù bây giờ chưa có biểu hiện gì đáng tiếc nhưng nghe tin vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị chết, chúng tôi không thể yên tâm nổi". Chị Mây cho biết, trước đó vợ chồng chị cùng một số cặp vợ chồng sống quanh khu trọ cũng đã đến liên hệ với một số trường mầm non trên địa bàn quận 9, tuy nhiên hầu hết các trường chỉ nhận giữ trẻ trong giờ hành chính, hơn nữa mức phí trông trẻ quá cao, dao động từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng nên vợ chồng chị không đủ sức để trang trải.
Bởi những bất cập như vậy nên dù biết là gửi con ở những điểm trông giữ trẻ không phép tất nhiên là không bảo đảm, thế nhưng đối với các cặp vợ chồng trẻ có thu nhập thấp, người lao động nghèo, người nhập cư… cũng không có cách lựa chọn nào khác. Và vụ việc cháu bé 18 tháng tuổi tử vong nói trên chính là hồi chuông báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở trông giữ trẻ "chui", đồng thời sớm có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.