Tối 29-11 (giờ địa phương), người dân Barbados đã tổ chức ăn mừng lễ nhậm chức của vị tổng thống đầu tiên, chấm dứt vai trò người đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Theo hãng tin Reuters và kênh CNN, rạng sáng 30-11, theo giờ địa phương (trưa 30-11, theo giờ Việt Nam) đã trở thành thời khắc lịch sử đối với Barbados khi hòn đảo Caribe nằm ở Tây Đại Tây Dương này chính thức tuyên bố độc lập, trở thành một nước cộng hòa và chấm dứt gần 400 năm nằm dưới sự bảo hộ của Hoàng gia Anh.
Bước đi lịch sử này đồng nghĩa với việc Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ không còn là nguyên thủ quốc gia của Barbados nữa. Rạng sáng cùng ngày, lá cờ đại diện cho Nữ hoàng Anh cũng đã được hạ xuống tại Quảng trường Anh hùng Dân tộc ở thủ đô Bridgetown, và được thay thế bằng lá quốc kỳ Barbados.
Trước đó, ngày 21-11, bà Sandra Mason, 72 tuổi, đã được lưỡng viện bầu làm tổng thống đầu tiên của Barbados với tỷ lệ thống nhất cao tại cuộc họp đặc biệt của lưỡng viện. Bà Sandra Mason sẽ giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Barbados.
Từng là thuộc địa của Anh và giành được độc lập vào năm 1966, đảo quốc này vẫn duy trì mối liên hệ chính thức với chế độ quân chủ Anh như một số quốc gia khác. Tuy nhiên, giới chức Barbados gần đây đẩy nhanh kế hoạch đưa quốc đảo này chuyển sang nền cộng hòa.
Với quyết định này, Barbados đã trở thành nước đầu tiên trong gần 30 thập kỷ qua chọn cách chấm dứt vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh. Quốc gia gần nhất hành động tương tự là đảo quốc Mauritius vào năm 1992.
Sau bước chuyển lịch sử này, Barbados vẫn có kế hoạch nằm trong Khối Thịnh vượng chung, một tổ chức gồm 54 quốc gia với đa phần là thuộc địa cũ của Anh, được lập ra nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và thương mại.
Barbados là đảo quốc nhỏ ở vùng Caribe, với diện tích khoảng 430km2, dân số gần 300.000 người. Kinh tế Barbados dựa chủ yếu vào ngành du lịch. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.