Khi người tố cáo cung cấp chính xác, trung thực, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng thì được bảo vệ và khen thưởng như thế nào? Đặng Trần Nam (Quận Hai Bà Trưng)
Khi người tố cáo cung cấp chính xác, trung thực, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng thì được bảo vệ và khen thưởng như thế nào?
Đặng Trần Nam (Quận Hai Bà Trưng)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 67, Luật Phòng chống tham nhũng, người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định của pháp luật.
Việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 58 và Điều 59 của Nghị định số 59/2013/NĐ-CP.
Bảo vệ người tố cáo:
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Khen thưởng trong công tác phòng chống tham nhũng:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng được thực hiện theo pháp luật về tố cáo và khen thưởng.
2. Quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng
a) Quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng được thành lập để khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
b) Quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng được lấy từ ngân sách nhà nước, trích từ tài sản được thu hồi từ các vụ, việc tham nhũng và đóng góp của tổ chức, cá nhân.
c) Việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.