Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Mai Hoa| 31/08/2022 06:29

(HNM) - Với trẻ em, internet là một kênh cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội. Tuy nhiên, môi trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng...

Hội nghị tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, tháng 8-2022.

Tăng cường trách nhiệm

Internet và mạng xã hội đã đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực, như: Trẻ em dễ dàng tiếp cận với thông tin giả, truy cập vào những nội dung xấu độc hại; nguy cơ nghiện sử dụng mạng xã hội, bị bắt nạt, dụ dỗ trên mạng xã hội... ngày càng cao.

Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng… Điều 29, Luật An ninh mạng năm 2018 về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng quy định: Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ, đồng thời, phải thực hiện xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em...

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng tiết lộ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trên mạng xã hội, như: Tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân; tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; các hình ảnh cá nhân; các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em, tài sản cá nhân, số điện thoại; nơi ở, quê quán, địa chỉ, trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của trẻ.

Chú trọng tuyên truyền

Nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường internet và mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021, yêu cầu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. Các trang web tên miền quốc gia “.vn”, các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam phải thực hiện phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em; nếu có cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho trẻ em phải tự triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga, Bộ đã và đang tăng cường hợp tác trong việc thực hiện tốt Quyết định số 830/QĐ-TTg, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, năng lực thực thi pháp luật về vấn đề này.

Đặc biệt, việc chủ động cập nhật xu hướng công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em có vai trò quan trọng. Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Thị Như Hoa cho biết, hiện có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với hotline là 0963563571 cũng đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực. Đáng chú ý, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam (Viettel, VNPT, FPT), doanh nghiệp quốc tế (Microsoft, Facebook, Tik Tok...) đã có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và đã tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc ban hành văn bản xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm.

Trong thời gian tới, giải pháp quan trọng là phải tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Hơn hết, cha mẹ chính là những người “gác cổng”, cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để bảo vệ con em mình an toàn trên môi trường internet và mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.