Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ trẻ em gái, nữ vị thành niên: Gia đình là "pháo đài" hữu hiệu

Linh Chi| 25/02/2014 06:29

(HNM) - Năm 2013, 80% nạn nhân mua bán người trở về được trợ giúp tại Ngôi nhà Bình yên (Hội LHPN Việt Nam) là trẻ em gái, trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi.

Là con gái một gia đình khá giả, bố là cán bộ cấp cao, Nguyễn T.V.A (14 tuổi) được cha mẹ chu cấp mọi thứ theo yêu cầu. Một sáng, em cắp cặp đi học bình thường, nhưng đến tiết học thứ hai, cô bé bỏ học. Tối đến, gia đình không thấy con về mới trình báo CA. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, CA xác định được các mối quan hệ, bạn bè của cháu, tìm ra nguyên nhân: Cô bé cô đơn, vào mạng kết bạn; người bạn này hẹn đón đi chơi rồi lừa bán em vào một ổ mại dâm ở huyện Quốc Oai. Cha mẹ cô bé vì bận rộn, không dành thời gian chia sẻ, tâm sự và trông nom, quản lý con mà chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất của con. Kết quả là cô bé đã chọn nhầm đối tượng để sẻ chia, khi mong muốn được bù đắp cho sự thiệt thòi tình cảm của mình.

Gia đình là “pháo đài” vững chắc và hữu hiệu trong việc chủ động bảo vệ trẻ em gái, nữ vị thành niên.


Theo báo cáo của Bộ CA, từ năm 1998 đến nay, Việt Nam có khoảng 11.000 nạn nhân bị mua bán qua biên giới. Thêm vào đó, toàn quốc có 30.000 phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán qua biên giới. Hơn 80% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em.

Bà Lê Thị Ngọc Bích, cán bộ tư vấn Ngôi nhà Bình yên cho rằng, bất chấp nỗ lực của cán bộ hội phụ nữ trong đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, số trẻ em gái, nữ vị thành niên bị lừa bán ra nước ngoài, bán vào các động mại dâm vẫn liên tiếp xảy ra. Ngay trong tuần đầu của năm mới Giáp Ngọ 2014, cơ quan CA đã bàn giao 2 nạn nhân mua bán người mới được giải cứu cho Ngôi nhà Bình yên. Qua tìm hiểu, tội phạm mua bán người thường tìm đến trẻ em gái, nữ vị thành niên có hoàn cảnh cô đơn, có lối sống ít hòa nhập với bạn bè, cộng đồng và gia đình. Trẻ em gái, vị thành niên đang có những xáo trộn về tâm lý, không nhận được sự quan tâm đầy đủ của bố mẹ cũng sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân mua bán người. Phương thức, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, chúng thường tạo lòng tin, giả yêu đương sâu sắc, thậm chí ăn ở như vợ chồng. Thủ đoạn này thường rất hiệu quả với trẻ em gái, nữ vị thành niên. Bên cạnh những đối tượng phạm tội là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự; một số người nước ngoài, người có điều kiện thuận lợi qua lại biên giới (hướng dẫn viên du lịch, buôn bán, làm thuê qua lại đường biên, cò mồi, môi giới dẫn dắt hôn nhân, xuất khẩu lao động) và những người từng là nạn nhân mua bán người cũng sẵn sàng phạm tội, lừa bán cả người thân trong gia đình. Đây là nguyên nhân khiến nhiều em gái, nữ vị thành niên có hoàn cảnh gia đình rất đa dạng, từ giàu có tới gặp nhiều khó khăn, nghèo khó; sống ở các địa bàn trải dài từ đô thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi… đều có thể trở thành nạn nhân mua bán người. Đáng lưu ý hơn, việc tái hòa nhập cộng đồng, chữa trị về tâm thần và thể xác cho nạn nhân mua bán người gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với nạn nhân tuổi còn nhỏ.

Nhằm bảo đảm tương lai cho các em gái, nữ vị thanh niên, các bậc phụ huynh nên quan tâm, chăm sóc, tìm hiểu tâm lý của các em nhiều hơn. Sợi dây tình cảm bền vững từ gia đình luôn tạo sức đề kháng mạnh, giúp các em vượt qua những khó khăn tâm lý của tuổi vị thành niên, tránh được những thủ đoạn, cám dỗ của tội phạm. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp cần thay đổi phương pháp truyền thông, giúp các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên nhận thức đầy đủ, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả tệ nạn mua bán người, bảo đảm hạnh phúc gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ trẻ em gái, nữ vị thành niên: Gia đình là "pháo đài" hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.