(HNMO) - Để hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phù hợp với bối cảnh hiện nay đòi hỏi cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm chung tay xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, lành mạnh.
Đó là nội dung của tọa đàm có chủ đề "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18-3 nhằm hưởng ứng Ngày "Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2022.
Thông tin tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Bộ Công Thương triển khai thông qua nhiều bộ công cụ, chương trình hành động thiết thực. Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bộ công cụ đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được sửa đổi với những quy định về sản xuất, kinh doanh tiêu dùng bền vững, những điều khoản liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, những người dân vùng cao…
Bên cạnh đó là những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa, qua mạng. Việc thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn được thông qua tổng đài tư vấn miễn phí 18006838. Chỉ riêng năm 2021, tổng đài đã nhận được hơn 13.000 cuộc gọi giúp tư vấn, giải pháp những vấn đề cụ thể của người tiêu dùng.
Còn ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kế hoạch tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường tập trung cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Mới đây, để ngăn chặn tình trạng các cây xăng găm hàng, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 16.000 lượt và đã phát hiện nhiều vi phạm. Để người tiêu dùng phản ánh các vấn đề vi phạm trên thị trường, chúng tôi mở đường dây nóng 190088655 với hơn 2.000 cuộc gọi phản ánh trong năm 2021.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường đã sử dụng những kênh truyền thông mới, dễ tiếp cận trên mạng xã hội như Youtube, Tiktok… để hướng dẫn cách nhận biết hàng thật, hàng giả giúp người tiêu dùng có thể tự nhận biết, tự bảo vệ chính mình.
Từ góc độ của nhà sản xuất, bà Nguyễn Thị Vinh Phương, đại diện cho Công ty TNHH URC Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực đồ uống cho hay, 19 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, yếu tố kinh doanh lành mạnh được Công ty URC vận dụng vào tất cả các khâu từ sản xuất đến vận hành, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
“Để đem đến người tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, công ty ứng dụng các công nghệ 4.0 vào mô hình sản xuất để tự động hóa các dây chuyền sản xuất, làm tăng hiệu năng sản xuất mà vẫn bảo đảm chất lượng. URC Việt Nam cũng thiết lập mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc cùng các kênh phân phối giúp mang sản phẩm tới người tiêu dùng nhanh hơn, thuận tiện hơn”, bà Nguyễn Thị Vinh Phương nói.
Các đại biểu tham gia tọa đàm đều thống nhất quan điểm, để hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phù hợp với bối cảnh hiện nay đòi hỏi cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, lành mạnh. Đặc biệt, những xu hướng tiêu dùng mới đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó, cần chú trọng xu hướng sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bảo đảm sự an toàn cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.