Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hồng Sơn| 20/02/2010 08:34

(HNM) - Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế càng phát triển, thị trường càng sôi động, vi phạm về trật tự quản lý thị trường (QLTT) dễ trở thành vấn nạn. Nhưng vấn đề ở chỗ các cấp quản lý, lực lượng chức năng phòng, chống hiện tượng này thế nào, hiệu quả ra sao… là điều cần quan tâm.


Năm 2009, các lực lượng chức năng, mà nòng cốt là lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra hơn 342.000 trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) hoặc vận chuyển hàng hóa trên địa bàn. Kết quả, đã xử lý gần 24.000 vụ buôn lậu, SXKD hàng giả, gian lận thương mại, phạt và thu nộp ngân sách hơn 612 tỷ đồng. So với năm 2008, số vụ kiểm tra, xử lý tăng 36,11%, riêng số vụ hàng cấm tăng 62,03%, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tăng 21,65%...

Cán bộ Đội quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Huy Hùng


Từ thực tế trên cho thấy, thị trường Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều loại vi phạm khác nhau và có xu hướng tăng hơn so với trước. Hàng hóa vi phạm gồm nhiều chủng loại, xuất xứ khác nhau, trong đó có cả hàng cấm, có thể gây nguy hại không những cho SXKD của các doanh nghiệp chân chính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Điều đáng nói là nhiều vụ vi phạm rất táo tợn, diễn ra công khai, có sự nghiên cứu phương cách đối phó với lực lượng chức năng. Một số vụ có tính chất điển hình như lực lượng chức năng phá chuyên án mang số "079-TL", phát hiện một đối tượng trú tại TP Hạ Long vận chuyển thuốc lá lậu từ Quảng Ninh về Hà Nội bằng xe ô tô mang biển số giả, thu giữ hơn 16.000 bao thuốc lá. Lực lượng QLTT số 4 đã điều tra, phát hiện một vụ vận chuyển 6 kiện hàng gồm nhiều loại vũ khí như khóa số, dùi cui sắt, côn nhị khúc, dao găm, lưỡi lê súng AK 47… ở kho hàng trên đường Bạch Đằng. Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, hầu như loại hàng hóa nào có lợi nhuận, nhất là có thương hiệu và giá bán cao trên thị trường đều có thể trở thành hàng giả, hàng nhái. Không ít trường hợp, các đối tượng cấu kết với nhau, kể cả hợp tác giữa đối tượng trong và ngoài nước để làm hàng giả, hàng nhái. Nhiều loại hàng giả đội lốt hàng thật thuộc lĩnh vực tiêu dùng hằng ngày, như thực phẩm, lương thực, hóa mỹ phẩm, rượu - bia - nước giải khát, trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hơn thế, tất cả các vụ vi phạm về QLTT đều là tác nhân làm suy giảm uy tín của thị trường trong mắt nhà đầu tư nước ngoài...

Năm 2010, Ban Chỉ đạo 127 thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo các lực lượng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, Chi cục QLTT sẽ thực hiện nhiều cuộc kiểm tra nhằm điều tra, phát hiện những vụ vi phạm quy định về giá cả hàng hóa và dịch vụ. Đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi nó sẽ hỗ trợ các cấp quản lý đấu tranh với nguy cơ chỉ số giá tăng tạo điều kiện cho lạm phát. Nhiều hoạt động kiểm tra sẽ nhằm vào nội dung cụ thể như kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, vấn đề ghi nhãn hàng hóa, kiểm tra sự chính xác trong đo lường, đong đếm… Đặc biệt, sẽ tập trung phát hiện các vi phạm về hóa đơn, chứng từ, nhất là nạn mua bán "hóa đơn đỏ"; đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và thực hiện kiểm tra đột xuất theo chuyên đề mặt hàng như rượu, tân dược, điện thoại di động, vải, hàng điện tử…

Tại hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo 127 thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã khẳng định, những vi phạm về QLTT vẫn sẽ diễn ra phức tạp, đặt các lực lượng chức năng vào tình huống phải chủ động ứng phó, triệt phá. Năm 2010 các cơ quan, đơn vị cần phối hợp đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau trong điều tra, xử lý vi phạm, chủ động tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất để nâng cao chất lượng hoạt động. Cần xây dựng phương án cụ thể để kiểm tra thị trường, mặt hàng trọng điểm, kết hợp với tuyên truyền phòng, chống các vi phạm về trật tự QLTT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.