(HNMO) - Sáng 11-6, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với việc sửa đổi luật này nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời xây dựng những chế tài xử phạt nghiêm minh để xử lý những hành vi sai phạm.
Xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm
Phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho biết, việc Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Luật là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Để dự án Luật đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao, đại biểu đề xuất áp dụng đầy đủ nguyên tắc gây ô nhiễm và hưởng lợi từ môi trường đều phải trả phí thỏa đáng, đồng thời cần có chính sách hiệu quả để huy động toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ môi trường.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và xử lý chất thải, đại biểu cho rằng, chất thải trong một số trường hợp cũng là tài nguyên, cần có những quy định cụ thể để xử lý và tái chế. Với chất thải độc hại, nguy hiểm phải có quy định cụ thể để kiểm soát, tránh gây tác động tiêu cực tới môi trường.
“Phải đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, để bảo vệ môi trường trở thành vấn đề tự thân của mỗi người, từ đó huy động cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường”, đại biểu Nguyễn Thị Lan phân tích.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mặc dù Ban soạn thảo đã chuẩn bị tốt cho quá trình xây dựng dự án Luật, song đây là một luật rất phức tạp, cần sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu chuyên trách để hoàn thiện, đa chiều và đáp ứng những yêu cầu cấp thiết hiện nay về môi trường.
Bày tỏ sự đồng tình với việc thu phí với hành vi gây ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề xuất phải phân định rạch ròi việc đền bù, bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm; đồng thời đề xuất làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND các tỉnh, thành phố trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, đại biểu Trần Sỹ Thanh (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường cần phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ của Việt Nam. Theo đại biểu, quan trọng là tính khả thi, nếu chỉ đưa ra các quy định nặng cảm tính thì không có nhiều ý nghĩa. "Ví dụ như phân loại rác, bây giờ nói nông thôn cũng phải phân ra 3, 4 loại rác như đô thị thì có khả thi không?", đại biểu bày tỏ. Đại biểu Trần Sỹ Thanh cũng đề xuất Chính phủ có chính sách tốt khuyến khích đầu tư xử lý chất thải, bởi trên thực tế, nhiều nhà máy rác được đầu tư thời gian ngắn đã phá sản, ngừng hoạt động.
Chung quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) cũng dẫn quy định người dân không phân loại rác đúng thì từ chối thu gom và đặt câu hỏi về tính khả thi của điều luật này. Đại biểu phân tích, nếu không thu gom thì các gia đình sẽ vứt rác ra chỗ khác hoặc đem chôn lấp, vậy họ có bị xử phạt không? Theo đại biểu, bước đầu phải vận động, tuyên truyền, sau một thời gian thì cần có chế tài xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ để giám sát, tổ chức các đội phản ứng nhanh để theo dõi, xử lý.
Có chế tài mạnh đối với hành vi vi phạm
Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ sáng 11-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Phòng) cho rằng, phải có chế tài mạnh với các vi phạm để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen mới nhằm bảo vệ môi trường. Theo Thủ tướng Chính phủ, môi trường là vấn đề lớn, mang tầm quốc tế. Việc chúng ta đặt ra vấn đề sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường là đúng đắn, cần thiết. “Hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Người dân không chỉ cần vật chất, mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo Thủ tướng Chính phủ, phải bắt đầu từ việc hình thành thói quen tốt của người dân, của cộng đồng dân cư. "Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Nên từng chi bộ, cộng đồng dân cư, từng gia đình phải làm việc này. Do chúng ta chưa cương quyết, chưa quyết liệt để thay đổi nhận thức nên mới xảy ra nhiều vấn đề ở nhiều nơi... Dọc các bờ sông, các bãi biển còn bẩn lắm, nhiều người có thói quen cứ có rác là xả, ném thẳng xuống sông, xuống biển", Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường vừa qua có khuyết điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành chưa làm quyết liệt. "Nghị quyết các chi bộ có nội dung về bảo vệ môi trường ở thôn, xóm, ở khu dân cư của mình không, hay chỉ nói những chuyện cao xa?, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh, chỉ trong mỗi gia đình, phân loại rác thải mà chưa làm được thì rất khó xây dựng nhà máy rác thải tốt được. Sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được khắc phục".
Nhấn mạnh Chính phủ cần có Nghị định để thực hiện luật này một cách nghiêm khắc, Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng quá trình xây dựng Nghị định để triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và khẳng định, bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cần phải có xử lý, xử phạt nghiêm để răn đe, giáo dục, làm gương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, chế tài mạnh phải có bộ máy mạnh, có công cụ, phương tiện để quản lý. Ví dụ nói về phương tiện giao thông cũ nát, xả thải gây tác hại cho môi trường thì cơ quan quản lý phải mạnh tay, có công cụ, phương tiện để xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.