(HNMO) - Chiều 31-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu tiếp tục tập trung đề xuất những giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Cấp thiết bảo vệ môi trường
Theo đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau), sự cố gây ô nhiễm nguồn nước vừa qua cho thấy công tác quản lý còn nhiều sơ hở, ẩn chứa nguy cơ gây mất an toàn cho sức khỏe người dân. Từ những vấn đề ô nhiễm nguồn nước do xả thải trực tiếp ra sông hoặc xử lý nhưng chưa triệt nên đã đến lúc các bộ, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tổ chức thực hiện tốt Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Thủy lợi năm 2017 và đặc biệt là có giải pháp bảo vệ kịp thời nguồn nước cung cấp cho người dân.
Trước mắt, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát và có báo cáo cụ thể Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản liên quan; tiến hành quy hoạch có liên quan đến nguồn nước lưu vực sông; các đơn vị và địa phương có liên quan đến nhà máy nước chú ý giải pháp ngăn chặn việc cố ý gây ô nhiễm cho nguồn nước thô cung cấp cho người dân…
Đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) nêu thực trạng, công tác phân loại rác, chất thải tại nguồn vẫn chưa kịp thời, nhiều nơi tập kết rác lại chính là nơi gây ô nhiễm. Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải chưa cao. Công tác kiểm tra đối với các cơ ở gây ô nhiễm môi trường còn chưa kịp thời và còn vi phạm chưa được phát hiện.
Đại biểu đề nghị bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở ở vùng núi, sông biển đang ảnh hưởng đến người dân; hoàn thiện các văn bản pháp luật và tăng cường ngân sách cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Nhiều vấn đề đặt ra cho công tác an sinh xã hội
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn thành phố Đà Nẵng) đặt ra vấn đề tỷ lệ giường bệnh trên toàn dân tăng liệu có phải là tín hiệu thật sự đáng mừng với sự phát triển của ngành y tế? Ở nước ta hiện nay có 27,5 giường bệnh/10.000 dân, nhưng cần gia tăng giường bệnh là bao nhiêu để đạt yêu cầu trong khi nhiều nước khác có xu hướng giảm. Lý do là tỷ lệ giường bệnh thể hiện tần suất sử dụng dịch vụ y tế. Ngưỡng tỷ lệ giường bệnh trên toàn dân tăng đồng nghĩa với việc số người đau ốm nhiều hơn qua các năm.
“Việc tăng giường bệnh có phải là giải pháp lâu dài để chống quá tải bệnh viện? Mục tiêu lâu dài của ngành y tế là cải thiện sức khỏe cộng đồng, dự phòng bệnh”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến nói.
Trong khi đó, hiện chúng ta có 8,6 bác sĩ/10.000 dân, ít hơn so với các nước phát triển. Đồng thời, chỉ có 1,8 điều dưỡng/bác sĩ, trong khi yêu cầu là từ 3 đến 3,5 bác sĩ/10.000 dân, chất lượng đội ngũ điều dưỡng cũng chưa đạt yêu cầu. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đưa chỉ tiêu phát triển bác sĩ và điều dưỡng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn Tiền Giang) băn khoăn về 3 triệu người là đối tượng hưởng bảo trợ xã hội chỉ được trợ cấp 270.000 đồng/tháng, không thay đổi trong 6 năm qua. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, quyết định bố trí ngân sách ngay từ năm 2020 để điều chỉnh mức trợ cấp bảo trợ xã hội.
Đề cập công tác bảo đảm trật tự xã hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho biết, cử tri rất lo lắng trước việc gia tăng người nghiện là thanh niên, tình trạng ma túy xâm nhập vào học đường, và kiến nghị cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn hiệu quả.
Sẽ rà soát, sửa đổi chính sách thuế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh
Tại phiên thảo luận chiều 31-10, một lần nữa vấn đề chủ quyền quốc gia lại được nhiều đại biểu tham gia, đóng góp ý kiến. Các đại biểu bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định những gì thuộc về độc lập chủ quyền chúng ta không bao giờ nhân nhượng.
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề về công tác tài chính ngân sách và khẳng định, sẽ chủ động rà soát, đánh giá nhằm sửa đổi chính sách thuế theo hướng giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực. Để khắc phục, cần rà soát các quy định; kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn, đồng thời tập trung chỉ đạo công tác giải ngân ở các cấp, ngành để khắc phục những bất cập hiện nay…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong hai ngày thảo luận đã có 98 đại biểu đưa ra ý kiến góp ý và 6 bộ trưởng báo cáo giải trình trước Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo các nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.