(HNM) - Theo số liệu của Hiệp hội Internet Việt Nam, cả nước có gần 70 triệu người dùng internet, chiếm hơn 2/3 dân số (tính đến tháng 6-2021). Đây là tài nguyên có giá trị rất lớn cho phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân thu thập, phân tích dữ liệu cá nhân nhưng không thông báo, xin phép khách hàng. Việc mua bán dữ liệu cá nhân cũng đang diễn ra công khai. Giai đoạn 2019-2020, cơ quan Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức bán dữ liệu cá nhân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền riêng tư của mỗi người, “tiếp tay” cho việc lừa đảo cũng như các hành vi phạm pháp khác…
Thực trạng trên đặt ra vấn đề cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiện mới được quy định rải rác trong Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Luật Xử lý vi phạm hành chính…). Theo các chuyên gia, việc xây dựng quy định cần chú ý một số điểm, như: Minh bạch hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; tăng cường quản lý nhà nước với các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; có hình thức xử lý đủ sức răn đe với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Nhu cầu và mức độ sử dụng dữ liệu cá nhân được dự báo sẽ tăng cao, nên việc sớm có các quy định quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cấp thiết. Được biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân - đây sẽ là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặt nền móng cho công tác xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.