(HNM) - Sâm Ngọc Linh, nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia, hiện đang bị làm giả dưới nhiều hình thức, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cũng như lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng trong việc xử lý các vi phạm liên quan tới sản phẩm này.
Sâm Ngọc Linh từ... củ tam thất
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh. Sở KH&CN các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam là tổ chức quản lý của chỉ dẫn địa lý nổi tiếng này. Sâm Ngọc Linh cũng nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Sâm Ngọc Linh có giá trị cao nhất trong các loài sâm Việt Nam, trung bình từ 50 đến 75 triệu đồng/kg, loại có kích cỡ lớn thậm chí lên tới vài trăm triệu đồng cho mỗi ki lô gam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (bên trái) khảo sát về sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. |
Tuy nhiên, hiện nay việc lưu thông phân phối sâm nói chung, sản phẩm quý hiếm như sâm Ngọc Linh nói riêng trên thị trường đang diễn ra rất phức tạp. Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Giá sâm hiện tăng lên gấp 4 - 5 lần so với cách đây hai năm, do vậy có hiện tượng sâm Ngọc Linh giả được bán với giá sâm Ngọc Linh thật khiến người dân hoang mang.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum cũng khẳng định, có tình trạng kinh doanh sâm Ngọc Linh giả trên thị trường. Hiện nay, huyện Tu Mơ Rông đang trồng hơn 300ha nhưng chủ yếu đang trong giai đoạn trồng và bảo tồn chứ chưa đưa vào kinh doanh. Thế nhưng trên địa bàn huyện đang diễn ra tình trạng buôn bán tam thất hoang, tam thất Vũ Diệp làm giả sâm Ngọc Linh. Những loại tam thất nói trên có hình dạng giống sâm Ngọc Linh, được nhập từ các địa phương khác trong khi việc phân biệt thật, giả rất khó khăn, chủ yếu vẫn bằng hình thức trực quan và kinh nghiệm lâu năm của người trồng sâm.
Sự hỗn loạn trên thị trường sâm Ngọc Linh đã gây không ít hoang mang cho các doanh nghiệp và người dân đang trong quá trình ươm tạo, phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý của đất nước. Ông Lê Đức Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho rằng: Vùng phân bổ sâm Ngọc Linh rất hạn hẹp, chỉ có ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam và hai huyện của tỉnh Kon Tum. Trên địa bàn Kon Tum hiện chỉ có hai doanh nghiệp đang trồng sâm là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô. Vì vậy các sản phẩm từ hai tỉnh này mà không thuộc các đơn vị trên đều là không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đưa ra sản phẩm lấy tên “sâm Ngọc Linh” một cách tràn lan cũng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, sâm K5) là một loại sâm quý đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện vào năm 1973 tại vùng rừng nguyên sinh Ngọc Linh, thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sâm Ngọc Linh chứa tới 52 hợp chất saponine, gấp hơn hai lần sâm Hàn Quốc và có hàm lượng thu suất toàn phần rất lớn. |
Cần ban hành tem nhãn cho sản phẩm
Thời gian qua, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nói chung. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là chỉ dẫn địa lý đầu tiên ở Việt Nam có liên quan đến hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, nên công tác quản lý, phối hợp giữa hai tỉnh còn nhiều lúng túng.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Khi phát hiện vụ việc nghi là sâm giả thì nhân viên chức năng rất khó phân biệt bằng mắt thường. Kết luận phải có cơ sở, xác nhận từ cơ quan kiểm định trong khi chi phí kiểm định rất lớn và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, hoạt động lưu thông sâm Ngọc Linh giả còn được thực hiện dưới hình thức sử dụng các trang web, mạng xã hội để rao bán nên rất khó kiểm soát.
Mới đây, tỉnh Kon Tum đã mở đợt cao điểm rà soát, chấn chỉnh hoạt động buôn bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh, phát hiện ba cơ sở kinh doanh là Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Danaco Quảng Nam, Cơ sở Dược liệu Nhật Quang có hành vi buôn bán sản phẩm sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xử phạt vi phạm hành chính hơn 96 triệu đồng. Tuy nhiên, những hành vi bị xử lý chỉ là vi phạm an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô cho rằng: Sâm Ngọc Linh là sản phẩm đặc hữu, vì vậy cần được quản lý theo dạng kinh doanh có điều kiện, khi xin cấp phép phải chứng minh được năng lực nguồn gốc giống, phải làm rõ có được sản xuất trên địa bàn đã được cấp chỉ dẫn địa lý hay không. Cơ quan nhà nước cần cương quyết xử lý ngay với các trường hợp kinh doanh sâm Ngọc Linh không có phép. Ông Chung đề xuất Bộ KH&CN chủ trì và trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả, đồng thời cần thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh để có những quy định, chế tài đối với các hội viên vi phạm.
Trước thông tin về sâm Ngọc Linh giả, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã giao Thanh tra bộ làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay trong quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Bộ cũng đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam tăng cường phối hợp, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm sâm củ Ngọc Linh, sớm ban hành bộ công cụ, quy chế quản lý sử dụng và thành lập hội sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh và ban hành tem, nhãn sản phẩm sâm Ngọc Linh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.