Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vật dao găm rắn ngậm chân voi hơn 2.000 tuổi ở xứ Nghệ

Theo VnExpress| 20/02/2018 09:07

Được nghệ nhân đúc đồng Làng Vạc chế tác, chiếc dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi là hiện vật độc bản, đặc biệt quý hiếm.


Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi là hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đợt 6 năm 2017. Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập vũ khí bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn.

Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi đang được bảo quản tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải.


Làng Vạc - di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn

Làng Vạc xưa thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, nay là thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Theo tài liệu của PGS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Khảo cổ học, xưa kia nơi đây là vùng đất hẻo lánh, từ năm 1972 lần đầu tiên trở nên nổi tiếng với giới khảo cổ trong và ngoài nước bởi phát hiện ra những chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp trong lòng đất cùng nhiều đồ đồng khác...

Năm 1973, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty văn hóa Nghệ An tổ chức khai quật di chỉ khảo cổ học Làng Vạc lần thứ nhất một cách bài bản và kết quả rất khả quan. Các nhà nghiên cứu tìm được khu mộ táng khá bề thế có cả những chiếc trống đồng là đồ tùy táng, chôn theo người quá cố.

Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi là kết quả trong đợt khai quật này. Ngoài ra, còn có nhiều dao găm cán hình người, đôi rắn ngậm chân hổ và vòng ống đeo cổ tay, cổ chân được gắn nhiều lục lạc đồng. Cho đến bây giờ Việt Nam chưa có khu mộ cổ nào có nhiều trống đồng, đồ nghệ thuật bằng đồng nhiều và đẹp hơn thế.

Một góc khai quật di chỉ khảo cổ học tại Làng Vạc năm 1973. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nghệ An cung cấp.


Năm 1981, khu mộ Làng Vạc tiếp tục được khai quật và lộ diện nhiều đồ quý khiến giới khoa học nước ngoài chú ý, nhất là nhà khảo cổ học Nhật Bản.

Trong hai năm 1990-1991, một đợt khai quật quy mô khác diễn ra tại đây do các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản thực hiện. Rất nhiều mộ táng cùng với nhiều loại đồ đồng đẹp, đồ thủy tinh, hạt mã não trang sức được phát hiện…

Di tích Làng Vạc quý và hiếm không chỉ vì cung cấp cho kho tàng di sản vật thể Việt Nam một loạt trống đồng, đồ nghệ thuật trang sức độc đáo, tính thẩm mỹ cao mà còn giúp các nhà khoa học phác thảo được bức tranh lịch sử đương thời. Điều đó vô cùng ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc Việt.

"Làng Vạc vừa là làng cổ, vừa là khu mộ cổ bề thế. Các nhà khảo cổ từng phát hiện chứng tích của làng cổ này là một tầng văn hóa chứa đầy mảnh gốm vỡ. Ngôi làng là di tích thuộc nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, cách đây hơn 2.000 năm...", PGS Nguyễn Giang Hải viết.

Giá trị đặc biệt của dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi

Với chất liệu đồng, dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi nặng 500 gram. Phần lưỡi dao mỏng, dài 5,5cm có hình gần giống tam giác. Mũi dao nhọn, hai đầu chắn tay cán dao có hình râu bướm. Phần chuôi dao dài 6,8cm, bề rộng 3,5cm.

Phần chuôi dao có hình hai con rắn thân tròn xoắn lấy nhau. Một con có mào và một con không có. Hai con rắn đang há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi. Voi đang trong tư thế đứng, hai chân trước làm thành hình trụ và hai chân sau cũng nhập thành một trụ khác. Trên lưng voi có hình chiếc bàn rộng (tựa như trống đồng), có dây chằng ra cổ và đuôi voi. Trên bành voi có hình trụ tròn, hơi thắt ở giữa.

“Lần đầu tiên chúng ta tìm thấy loại dao găm có tượng rắn đỡ hình các con vật khác trong các điểm khảo cổ học ở nước ta”, đánh giá của nhóm nhà khảo cổ học tại báo cáo khai quật khảo cổ học Làng Vạc lần thứ nhất.

Bộ sưu tập vũ khí bằng đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng. Tuy nhiên, giáo sư Hà Văn Tấn, nhà sử học, khảo cổ học Việt Nam từng cho rằng “dao găm cán tượng động vật hầu như chưa phát hiện được ở đâu ngoài Làng Vạc”.

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong bộ sưu tập vũ khí bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng thế giới.

Để ứng phó với những nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày, người Đông Sơn đã biết chế tạo nhiều vũ khí tinh xảo như: dao găm, lao, giáo... Riêng chiếc dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi nhiều khả năng mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo, có chức năng lễ nghi hơn là thực dụng.

Nghệ nhân Đông Sơn đã kết hợp tài tình giữa trang trí và thực dụng, biến một loại vũ khí thường dùng thành tác phẩm nghệ thuật. Hình ảnh rắn, voi, trống đồng được kết hợp một cách khéo léo, tạo thành cán dao găm thanh thoát và không kém phần chắc chắn.

“Dao găm tượng rắn ngậm chân voi có giá trị đặc biệt quý hiếm, phản ánh kỹ thuật đúc đồng điêu luyện, đặc biệt là nghệ thuật tạo tượng trên đồ vật đạt đến đỉnh cao của nghệ nhân đúc đồng Làng Vạc”, các nhà nghiên cứu kết luận.

Hiện vật còn phản ánh tín ngưỡng vật tổ, phồn thực của cư dân Việt cổ - cư dân nông nghiệp lúa nước không xem rắn là con vật bình thường mà là biểu tượng của tâm linh. Rắn được tôn lên thành thủy thần, biến hình thành một con vật không có thật là rồng.

Bên cạnh đó hình tượng hai con rắn quấn chặt lấy nhau được cho là rắn đực và rắn cái. Điều này thể hiện sự phồn thực, âm dương giao hòa mong cho mọi loài sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vật dao găm rắn ngậm chân voi hơn 2.000 tuổi ở xứ Nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.