(HNM) - Trong chói chang của nắng, những cánh cò trắng lấp lóa một vùng. Yên bình và tĩnh mịch, chỉ những cánh cò chao liệng giữa bầu trời, trong cái ngút ngàn của màu xanh tre, nứa… Rừng cò Ngọc Nhị - một báu vật giữa vùng đất thiêng Ba Vì nhưng không mấy ai biết chủ nhân rừng cò đang hằng ngày, hằng giờ vật lộn với cuộc mưu sinh khiến bài toán bảo tồn, phát triển đàn cò phải đối mặt với nhiều thách thức...
Một góc rừng cò Ngọc Nhị. |
Vốn quý vùng đất thiêng
Không có tấm biển nào chỉ dẫn nhưng rừng cò Ngọc Nhị ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, đã nổi tiếng từ lâu. Tôi đến rừng cò vào một ngày đầu tuần. Xung quanh chỉ có tiếng xào xạc của lá cây, thỉnh thoảng mới có tiếng của một vài loài chim… Chiếc cổng dẫn vào rừng cò cũ kỹ rêu xanh. Phùng Đoài Học - ông chủ rừng cò Ngọc Nhị chỉ tay lên tán cây phía trên giải thích: Trên đầu chúng ta là vô số tổ cò. Mùa này cò đang sinh sản nên chỉ có một con bay ra khỏi tổ, con còn lại "trông nhà"… Miên man câu chuyện về cò, chủ nhân rừng cò cho tôi một hình dung khá đầy đủ về quá trình phát triển của rừng.
Đã vài chục năm nay, cò chọn Đồi Đưng, thuộc thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh làm nơi trú chân. Ngày ấy, cò bị tận diệt, thậm chí trứng cò cũng bị người ta lấy. Nhìn cảnh ấy, ông xót đàn cò, nhưng cũng nhìn thấy cơ hội phát triển ở đó, thế là đầu tư công sức, vốn liếng, mua lại đất của 3 người ở Đồi Đưng. Thay bằng cây ngô, cây sắn, ông đã trồng hơn 3ha tre, nứa các loại. Tre lên phủ kín một vùng, do đó cò càng kéo về đông vì có nơi trú ngụ. Đàn cò phát triển ngày một nhanh, ông tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm đất trồng tre, trúc. Diện tích rừng cò nay đã tăng lên đến hơn 10ha.
Ban đầu ông Học khai thác cò và phát triển đàn cò theo kinh nghiệm cá nhân. Sau này có nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu và ông đã học được nhiều điều bổ ích từ họ, trong đó có những kiến thức chuyên môn rất cơ bản về cuộc sống của loài cò. Từ đó, ông biết khai thác cò phải theo tỷ lệ, loài nào nhiều thì khai thác nhiều, loài nào ít thì hạn chế và đặc biệt với loài quý hiếm thì ông chỉ dụ đàn mà không khai thác. Cách bắt cò cũng phải áp dụng kiến thức khoa học, bắt cò nhưng không được làm động tổ, không được để cò bố, cò mẹ hoảng loạn.
Ông Học nói: Bằng kinh nghiệm chúng tôi biết con cò nào già, con nào non, con nào đang chập chững nơi đầu cành… Mùa cò làm tổ đẻ trứng, việc dọn rừng cũng phải hết sức cẩn trọng, nếu làm cò kinh động, chúng sẽ phá đàn bay đi… Ban đầu, rừng chỉ có cò bợ, cò trắng, nay ở đây đã có đến 9 loài cò như: cò trâu, cò ngàng… Đặc biệt, khoảng 5 năm gầy đây rừng có thêm loài cò nhạn. Đây là loài cò quý hiếm, nằm trong sách đỏ nên tôi tìm cách dụ đàn để mong chúng phát triển thêm...
Bảo tồn bằng cách nào?
Gia đình ông Học đã phải đầu tư công sức, tiền của để phát triển đàn cò và cũng dựa vào đó để phát triển việc kinh doanh ẩm thực. Dưới tán tre, ông Học cho xây những dãy lều làm nơi ăn, nghỉ cho du khách. Tất cả đều giản dị, mộc mạc. Những ngày nghỉ lễ, du khách từ rất nhiều nơi đổ về, có khi lên đến hàng trăm người. Thấy tôi thắc mắc về việc không cắm biển chỉ dẫn đường đến rừng cò, ông Học giải thích: Gia đình tôi chỉ đáp ứng được lượng khách hiện tại, nếu đông hơn chúng tôi không kham nổi. Chúng tôi chỉ mở nhà hàng từ sáng đến chiều, tối đặc biệt không mở vì phải giữ không gian tĩnh mịch cho đàn cò.
Thừa nhận gia đình mình có bắt, có thịt cò làm các món "nhắm" cho thực khách, ông Học nói: Năm nào cơ sở của tôi cũng bị các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi bắt, thịt động vật hoang dã. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức được rất rõ việc giữ gìn đàn cò như giữ mạch sống cho gia đình. Gia đình chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng, nếu không cho gia đình bắt thịt cò thì Nhà nước cần có cơ chế trả lương, hỗ trợ cho các thành viên trong gia đình. Nếu không có người bảo vệ, giữ gìn, không thuê đất, trồng tre thì làm gì có được đàn cò như ngày hôm nay? Tôi cũng như bao người nông dân khác, phải lao động và được phép hưởng lợi từ thành quả lao động ấy…
Về câu hỏi hóc búa này, ông Vũ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cũng đồng cảm: Để rừng cò được như ngày hôm nay phải kể đến công sức của gia đình ông Học. Việc gia đình ông Học bắt, tỉa cò để kinh doanh ai cũng biết, rõ ràng là vi phạm quy định cấm săn bắt động vật hoang dã. Nhưng, nếu ông Học không làm như vậy thì lấy đâu vốn liếng để tái đầu tư. Đã có rất nhiều cuộc họp của các ban ngành, các nhà khoa học… nhưng đều chưa đưa ra được cơ chế nào để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa bảo đảm yêu cầu bảo tồn đàn cò. Trong khi đó, đây không chỉ là vốn quý Cẩm Lĩnh, mà còn là thế mạnh về phát triển nghỉ dưỡng, du lịch…
Theo nhiều nhà khoa học, để đàn cò phát triển, cần có nhiều yếu tố, trong đó có 4 yếu tố quyết định, đó là: Cò phải có nơi trú ngụ tốt trong không gian tĩnh mịch với một vùng đệm xung quanh gồm ao hồ, đầm lầy và nhiều người tin rằng vùng đất ấy phải có một luồng khí đặc biệt mới hút được đàn cò. Sự giàu có của rừng cò Ngọc Nhị đã được khẳng định khi nhiều nhà khoa học cho rằng đây là vạt rừng có quy mô và số lượng, chủng loại cò đa dạng, lớn nhất miền Bắc. Và đây là một trong những yếu tố giúp du lịch xanh ở Ba Vì có sức hấp dẫn hơn. Vậy, cơ chế nào để những vạt rừng mãi xanh, để quần thể cò được bảo tồn và phát triển bền vững?
Gìn giữ, bảo tồn, phát triển rừng cò Ngọc Nhị là việc làm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa đối với một thành phố xanh - sạch - đẹp… Cò trú ngụ ở Đồi Đưng quả thật là của trời cho, nhưng nếu không có bàn tay con người thì đàn cò sẽ đi đâu, về đâu? Bài toán về cơ chế bảo tồn cò đã được đặt ra, nhưng lời giải dường như chưa có…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.