(HNM) - Ngày 21-5, trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại sứ quán Italia đã tổ chức hội thảo quốc tế:
Bảo tồn phố cổ cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Ảnh: Nhật Nam |
Lúng túng tiêu chí phân loại
Mất khoảng 20 năm, từ một phố cổ còn gặp nhiều khó khăn nhưng Genova đã vươn lên trở thành một trong những thành phố điển hình của châu Âu trong việc trùng tu, bảo tồn phố cổ. Nhờ đó, Genova đã được công nhận là Thủ đô văn hóa của châu Âu và được UNESCO đưa vào danh sách các di sản thế giới. Kiến trúc sư Giorgio Parodi, Chủ tịch Hội kiến trúc sư thành phố Genova chia sẻ, có được sự "hồi sinh" chính là nhờ chiến lược quy hoạch đúng đắn của Hội đồng Quy hoạch kiến trúc thành phố. Phương pháp này cũng nên được xem xét cho sự phát triển của Hà Nội trong tương lai, nhằm đưa Thủ đô của Việt Nam trở thành một trong những thành phố hấp dẫn của châu Á.
KTS Giorgio Parodi đã đặt ra câu hỏi trước khi bắt đầu công việc trùng tu, bảo tồn khu phố cổ, đó là: "Giữ cái gì và không giữ cái gì?". Theo ông, Hà Nội nên giữ cái tổng thể với những giá trị lịch sử làm nổi bật quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ. Từ đó, việc trùng tu phố cổ nên bắt đầu từ việc quy hoạch các tuyến phố, khu quảng trường, vườn hoa. "Phải xác định được giá trị văn hóa của từng khu vực bằng cách nghiên cứu kỹ tất cả những ngôi nhà trong phố cổ, phân loại dựa theo giá trị kiến trúc, lịch sử, vị trí đắc địa... sau đó mới trùng tu. Không phải ngôi nhà nào cũng trùng tu như nhau", KTS Giorgio Parodi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tiêu chí nào nhận định công trình hay ngôi nhà có giá trị di sản đến nay vẫn chưa được đưa ra. Theo quy hoạch khu phố cổ năm 1995 có 24 công trình di tích. Nhưng đến năm 1998, công trình di tích lên tới con số 104. Và cho tới năm 2009, trong khu phố cổ lại có đến 121 di tích lịch sử kiến trúc. Thậm chí, năm 1995, chuyên gia Việt Nam khẳng định có hơn 800 ngôi nhà cổ có giá trị. Tuy nhiên, vài năm sau đó, kiểm tra lại chỉ có khoảng 300 ngôi nhà cổ có giá trị. Hiện nay, ngay chính những nhà nghiên cứu vẫn thắc mắc và đặt ra câu hỏi: Trong khu phố cổ có bao nhiêu ngôi nhà có giá trị, đặc trưng của khu này là gì, có 6 hay 8 loại hình kiến trúc...(?) Chính vì vậy, trong khi Genova chỉ tôn tạo và bảo tồn 40 ngôi nhà cổ thì Việt Nam có thể trùng tu hết 121 di tích lịch sử, 800 ngôi nhà cổ hay không?
Trùng tu phố cổ là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Ảnh: Xuân Chính |
Cần sự góp sức của cộng đồng
Đối với việc bảo tồn khu phố cổ, theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, vai trò của cộng đồng có đóng góp vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn lúng túng trong việc đưa ra cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng. Ông dẫn chứng, sau khi có quy hoạch bảo tồn khu phố cổ vào năm 1995, TP Hà Nội đã đề ra dự án giãn dân tại 2 địa điểm, đó là khu vực phường Việt Hưng (diện tích 28,6ha) và phường Ngọc Thụy (diện tích 12,6ha). Dự án này cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới. Dù vậy, hơn 10 năm nay, dự án giãn dân khu phố cổ vẫn chỉ "nằm trên giấy". Đến nay, vấn đề này lại tiếp tục được đặt ra nhưng thực hiện thế nào thì phải có chính sách, cơ chế (?).
Từ kinh nghiệm bảo tồn của Genova, KTS Giorgio Parodi cho rằng, việc trùng tu khu phố cổ phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng sống và sự phát triển bền vững của người dân nơi đây. Đầu tiên là việc tối ưu hóa mạng lưới giao thông, hạ tầng cơ sở để giúp người dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Mặt khác, quá trình bảo tồn nên tập trung vào việc phát triển các nghề thủ công, thậm chí, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vì phố cổ Hà Nội được du khách quốc tế biết đến nhờ sự đặc sắc, đa dạng của 36 phố nghề. Ở mỗi tuyến phố sẽ tạo ra những sản phẩm thủ công có đặc trưng riêng biệt, điều đó sẽ thu hút được du khách mỗi khi đến đây và tạo ra sự giao lưu buôn bán sầm uất. "Khi nhận rõ được lợi ích từ việc trùng tu phố cổ, những hộ dân nơi đây chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc" - KTS Giorgio Parodi khẳng định.
Về vấn đề này, bà Tạ Quỳnh Hoa, giảng viên Khoa Kiến trúc (Đại học Xây dựng) cũng cho biết, khi tiến hành bảo tồn khu phố cổ cần huy động sự tham gia của cả cộng đồng. Chỉ khi có được cơ chế, chính sách đúng đắn và nêu rõ được vai trò của chính quyền là gì, người dân là gì và phối hợp với nhau như thế nào… thì việc bảo tồn, trùng tu khu phố cổ mới đạt hiệu quả.
Bảo tồn dựa vào 3 giá trị KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để bảo tồn phố cổ Hà Nội cần xem xét cả 3 yếu tố: giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc và giá trị sử dụng. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng bảo vệ không gian của phố cổ chứ không nên chỉ quan tâm đến từng ngôi nhà cụ thể. Việc trùng tu khu phố cổ phải tạo ra được sự hài hòa giữa cái cũ và cái mới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.