(HNM) - Sau khi đi vào đất liền Quảng Ninh, bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh miền Bắc có mưa to đến rất to và diễn biến mưa còn phức tạp.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến 19h ngày 18-8, bão số 5 đã làm 28 người bị chết, mất tích và bị thương, trong đó có 10 người chết, 3 người mất tích và 9 người bị thương. Bão số 5 cũng làm sập 139 ngôi nhà, tốc mái hơn 5.000 ngôi nhà; chìm 1 phương tiện; hỏng 2 phương tiện; ngập úng, hư hỏng gần 1.500ha lúa và hoa màu.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội vận hành máy bơm tiêu thoát nước, giải quyết tình trạng ngập úng. Ảnh: Dương Hiệp |
Tại Quảng Ninh, bão số 5 đã làm 22 bè mảng nuôi trồng thủy sản, trên có 50 người (44 người lớn, 6 trẻ em) neo đậu ở khu vực cửa Đài, đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) bị đứt dây chằng trôi ra biển. Biên phòng Quảng Ninh đã kịp thời phối hợp cùng tàu ngư dân đưa 50 người vào nơi an toàn.
Tại tỉnh Phú Thọ, mưa dông đã làm nhiều căn nhà, phòng học bị hư hại, tốc mái; hơn 700ha lúa bị ngập úng; hàng chục ha hoa màu bị thiệt hại; gần 1ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 3 cột điện hạ thế bị đổ, gãy.
Còn tại Yên Bái, chiều tối qua (18-8), mưa to kèm theo lốc xoáy khiến một người bị thương (xã Động Quân, huyện Lục Yên), 1.400 căn nhà sập đổ, tốc mái, huyện Trạm Tấu bị cô lập do mưa ngập. Lúc 5h30 sáng 18-8, tàu cá BĐ 96286 TS của tỉnh Bình Định có 7 ngư dân bị gãy bánh lái trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Tàu SAR 413 đã ra ứng cứu, đưa vào đảo Song Tử Tây tối ngày 18-8.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo, vào các ngày 18 và 19-8 trên hệ thống sông Hồng -Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Dù bão đã đi qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương yêu cầu các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các tỉnh Tây Bắc.
Nội thành Hà Nội: 155 cây xanh bị đổ
Trong khi đó, tại Hà Nội do ảnh hưởng của bão số 5 kèm mưa to và gió mạnh, đã có 155 cây xanh trên nhiều tuyến phố bị đổ hoặc gãy cành. Quận Hoàn Kiếm có 36 cây đổ; quận Hai Bà Trưng có 65 cây; quận Ba Đình có 9 cây; Tây Hồ có 11 cây, Hoàng Mai có 5 cây, Long Biên 2 cây... Đây là trận mưa giông lớn trong nhiều năm gần đây khiến cây đổ nhiều nhất. Ngay cả trận mưa lịch sử gây úng ngập nghiêm trọng vào cuối năm 2008 cũng chỉ làm đổ 88 cây xanh.
Ngay trong cơn mưa, 100% nhân lực, phương tiện của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã được huy động cắt cây, dọn cành lá nhằm giải tỏa giao thông nhanh nhất. Tuy nhiên, do mưa lớn, số lượng cây đổ nhiều, giao thông tại nhiều khu vực trở nên hỗn loạn nên việc giải tỏa cây đổ, cành gãy gặp không ít khó khăn. Toàn bộ công nhân đã phải làm việc suốt đêm 17 và ngày 18-8. Vào thời điểm từ 3-5h sáng ngày 18-8 công việc bị gián đoạn do mưa to, gió giật mạnh, để bảo đảm an toàn cho công nhân, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Tính đến 9h sáng ngày 18-8, tổng lượng mưa đo được tại trạm Vân Hồ là 179mm, Xuân Đỉnh: 140mm, Trúc Bạch: 145mm, Yên Sở: 125mm, hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia: 85mm, Đông Anh: 160mm, Thanh Liệt: 141mm; Hồ Tây A: 160mm; Long Biên: 109mm. Xuất hiện các điểm úng ngập sâu từ 0,15m đến 0,3m như tại ngã tư Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường, Nguyễn Đức Cảnh, Trương Định, đường Giải Phóng (Bê tông Thịnh Liệt, bến xe phía Nam), Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Thái Hà, Thái Thịnh, Ngọc Khánh, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Nguyễn Huy Tưởng...
Nhiều tuyến phố vẫn chưa thoát hết nước. Ảnh: Dương Hiệp |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.