Bão tan, Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 19/08/2012
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến 19h ngày 18-8, bão số 5 đã làm 28 người bị chết, mất tích và bị thương, trong đó có 10 người chết, 3 người mất tích và 9 người bị thương. Bão số 5 cũng làm sập 139 ngôi nhà, tốc mái hơn 5.000 ngôi nhà; chìm 1 phương tiện; hỏng 2 phương tiện; ngập úng, hư hỏng gần 1.500ha lúa và hoa màu.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội vận hành máy bơm tiêu thoát nước, giải quyết tình trạng ngập úng. Ảnh: Dương Hiệp |
Tại Quảng Ninh, bão số 5 đã làm 22 bè mảng nuôi trồng thủy sản, trên có 50 người (44 người lớn, 6 trẻ em) neo đậu ở khu vực cửa Đài, đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) bị đứt dây chằng trôi ra biển. Biên phòng Quảng Ninh đã kịp thời phối hợp cùng tàu ngư dân đưa 50 người vào nơi an toàn.
Tại tỉnh Phú Thọ, mưa dông đã làm nhiều căn nhà, phòng học bị hư hại, tốc mái; hơn 700ha lúa bị ngập úng; hàng chục ha hoa màu bị thiệt hại; gần 1ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 3 cột điện hạ thế bị đổ, gãy.
Còn tại Yên Bái, chiều tối qua (18-8), mưa to kèm theo lốc xoáy khiến một người bị thương (xã Động Quân, huyện Lục Yên), 1.400 căn nhà sập đổ, tốc mái, huyện Trạm Tấu bị cô lập do mưa ngập. Lúc 5h30 sáng 18-8, tàu cá BĐ 96286 TS của tỉnh Bình Định có 7 ngư dân bị gãy bánh lái trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Tàu SAR 413 đã ra ứng cứu, đưa vào đảo Song Tử Tây tối ngày 18-8.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo, vào các ngày 18 và 19-8 trên hệ thống sông Hồng -Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Dù bão đã đi qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương yêu cầu các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các tỉnh Tây Bắc.
Nội thành Hà Nội: 155 cây xanh bị đổ
Trong khi đó, tại Hà Nội do ảnh hưởng của bão số 5 kèm mưa to và gió mạnh, đã có 155 cây xanh trên nhiều tuyến phố bị đổ hoặc gãy cành. Quận Hoàn Kiếm có 36 cây đổ; quận Hai Bà Trưng có 65 cây; quận Ba Đình có 9 cây; Tây Hồ có 11 cây, Hoàng Mai có 5 cây, Long Biên 2 cây... Đây là trận mưa giông lớn trong nhiều năm gần đây khiến cây đổ nhiều nhất. Ngay cả trận mưa lịch sử gây úng ngập nghiêm trọng vào cuối năm 2008 cũng chỉ làm đổ 88 cây xanh.
Ngay trong cơn mưa, 100% nhân lực, phương tiện của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã được huy động cắt cây, dọn cành lá nhằm giải tỏa giao thông nhanh nhất. Tuy nhiên, do mưa lớn, số lượng cây đổ nhiều, giao thông tại nhiều khu vực trở nên hỗn loạn nên việc giải tỏa cây đổ, cành gãy gặp không ít khó khăn. Toàn bộ công nhân đã phải làm việc suốt đêm 17 và ngày 18-8. Vào thời điểm từ 3-5h sáng ngày 18-8 công việc bị gián đoạn do mưa to, gió giật mạnh, để bảo đảm an toàn cho công nhân, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Tính đến 9h sáng ngày 18-8, tổng lượng mưa đo được tại trạm Vân Hồ là 179mm, Xuân Đỉnh: 140mm, Trúc Bạch: 145mm, Yên Sở: 125mm, hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia: 85mm, Đông Anh: 160mm, Thanh Liệt: 141mm; Hồ Tây A: 160mm; Long Biên: 109mm. Xuất hiện các điểm úng ngập sâu từ 0,15m đến 0,3m như tại ngã tư Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường, Nguyễn Đức Cảnh, Trương Định, đường Giải Phóng (Bê tông Thịnh Liệt, bến xe phía Nam), Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Thái Hà, Thái Thịnh, Ngọc Khánh, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Nguyễn Huy Tưởng...
Nhiều tuyến phố vẫn chưa thoát hết nước. Ảnh: Dương Hiệp |
Từ 5h sáng ngày 18-8, CBCNV công ty đã ứng trực tại các điểm úng ngập để vớt rác, khơi thông dòng chảy. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hòa nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Tuy nhiên, trạm bơm Đồng Bông II bị mất điện nên không vận hành được. Sau cơn mưa rạng sáng 18-8, Hà Nội tiếp tục có nhiều cây xanh bị bật gốc, đặc biệt rất nhiều tuyến phố lại bị ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho sinh hoạt và giao thông. Đến chiều 18-8, nhiều tuyến phố nước vẫn chưa rút hết.
Kiểm tra việc khắc phục hậu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đánh giá cao nỗ lực của CBCNV các đơn vị công viên cây xanh, thoát nước, môi trường đô thị, lực lượng thanh tra GTVT, CSGT đã góp phần giảm thiểu úng ngập, giải tỏa cây đổ, hướng dẫn phân luồng giao thông nhằm hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Thời tiết còn diễn biến bất thường, TP yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên; tăng cường biển báo, cảnh báo bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông; khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT có phương án hạ thấp mực nước sông Nhuệ để nước từ nội thành có thể thoát ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt; đồng thời tiếp tục hạ mực nước đệm tại các kênh dẫn, sông hồ đến mức tối đa để khi mưa xuống sẽ thoát nhanh, hạn chế úng ngập. Bên cạnh đó, TP yêu cầu Công ty Công viên cây xanh Hà Nội phối hợp chặt chẽ cùng Công ty Môi trường đô thị sau khi giải tỏa cây phải dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; giao Thanh tra Sở GTVT và CSGT tiếp tục tập trung lực lượng hướng dẫn phân luồng giao thông tại các điểm úng ngập, cây gãy đổ; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội bố trí cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm thoát nước để đối phó với úng ngập khi mưa to...
Ngoại thành Hà Nội: Khẩn trương chống úng cứu lúa
Mưa lớn, trên diện rộng đã làm 6.483ha lúa mùa bị ngập úng sâu trong nước, trong đó huyện Thường Tín ngập 1.343ha, Thanh Oai 895ha, Thanh Trì 600ha, Chương Mỹ 550ha, Từ Liêm 400ha... Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các công ty thủy lợi vận hành các hệ thống tiêu tự chảy và gần 80 trạm bơm tiêu kiệt nước đệm từ ngày 17-8 nên khi mưa bão xảy ra lượng nước trong đồng thấp không gây úng ngập nặng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nghiêm Xuân Đông cho biết, khi xảy ra mưa lớn Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các công ty thủy lợi cử công nhân ứng trực 24/24 giờ, khẩn trương vận hành các trạm bơm tiêu úng cứu lúa mùa. Toàn hệ thống đã có 114 trạm bơm với 570 máy bơm các loại hoạt động liên tục với tổng lượng bơm khoảng 1.409.500m3/h để cứu lúa mùa. Ngoài diện tích lúa bị ngập úng, còn khoảng 803ha cây màu của huyện Từ Liêm cũng phải thoát nước nhanh nếu không sẽ thiệt hại. Công việc chống úng đang rất khẩn trương với quyết tâm cao để trong hai ngày tới nếu không còn mưa to sẽ cơ bản thoát úng cho 6.483ha lúa mùa.
Ngày 18-8, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy PCLB thành phố Hoàng Thanh Vân đã đi kiểm tra công tác tiêu úng tại các huyện ngoại thành. Tại huyện Gia Lâm, khoảng 995ha thuộc các xã Dương Hà, Thịnh Liên... ngập úng sâu trong nước đang được Công ty Đầu tư Phát triển thủy lợi Hà Nội huy động các trạm bơm Dương Hà, Phù Đổng, Thịnh Liên hoạt động 24/24 giờ, bơm liên tục trong hai ngày sẽ thoát úng. Huyện Đông Anh có khoảng 660ha lúa mùa ngập sâu trong nước thuộc các xã Việt Hùng, Liên Hà, Vân Hà, Thụy Lâm. Hai trạm bơm Thạc Quả 7 máy, công suất 4.000m3/h và Mạnh Tân 16 máy, công suất 2.500m3/h cũng đang hoạt động liên tục để cứu lúa mùa thoát ngập nước.