Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bão số 4 tan, Hà Nội mưa, đề phòng ngập úng

Kim Nhuệ| 28/09/2022 16:58

(HNMO) - Chiều nay (28-9), bão số 4 đã suy yếu và tan dần. Ảnh hưởng hoàn lưu bão, Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to, đề phòng ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp.

Đêm nay và ngày mai (29-9), thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, sáng 28-9, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên từ chiều tối 28 đến đêm 29-9, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Hòa Bình, đồng bằng ven biển Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến tại khu vực Bắc Trung Bộ 70-150mm, có nơi cao hơn 150mm. Khu vực đồng bằng, ven biển khu vực Bắc Bộ 50-100mm, có nơi cao hơn 100mm. Các tỉnh, thành phố, khu vực nêu trên đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Thành phố Hà Nội từ chiều tối 28 đến ngày 30-9 có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Tổng lượng mưa tại khu vực trung tâm và các huyện phía Tây thành phố 50-80mm; các huyện phía Bắc 40-70mm; các huyện phía Nam 70-120mm. Trong mưa dông, Hà Nội có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Người dân Thủ đô đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp, ven sông...

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, dông và ngập úng có thể xảy ra, ngày 28-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến thời tiết để thông báo, hướng dẫn người dân kịp thời chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du hồ đập, nhất là công tác chuẩn bị và triển khai trên thực tế theo phương châm "4 tại chỗ".

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tổ chức lực lượng và tuần tra, canh gác bảo vệ công trình theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều, thủy lợi; rà soát các công trình đang thi công trong phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi; triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình khi xảy ra mưa lũ.

Các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; chủ động khơi thông dòng chảy, tua vớt rác tại các miệng thu hố ga để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời, sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống ngập úng khu đô thị, vùng trũng thấp, xử lý các sự cố công trình ngay từ khi mới phát sinh để bảo đảm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại...

* Cập nhật về thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 17h ngày 28-9, bão số 4 xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai đã làm 16 người bị thương (tỉnh Quảng Trị 8 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 8 người); 76 ngôi nhà bị sập, 2.601 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 36 điểm trường bị hư hỏng.

Ngoài ra, 66ha lúa, 564ha hoa màu bị ngập; 4.862 cây xanh gãy đổ; 1 thuyền và 4 tàu nhỏ bị hư hại, chìm tại khu neo đậu; 4 gia súc, 720 gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Bão cũng làm 37 vị trí giao thông bị sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, một số tuyến giao thông địa phương và 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.

Đặc biệt, bão còn làm 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời và dự kiến sẽ đóng điện trở lại trong tối 28-9.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bão số 4 tan, Hà Nội mưa, đề phòng ngập úng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.