Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai và phóng viên tại các địa phương, mặc dù bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp, song ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão cũng đã gây nhiều thiệt hại ở các địa phương.
Cụ thể, sáng 4-7, tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn đã làm sạt khoảng 20m đường dẫn lên cầu Yên Hòa (thuộc địa phận xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia) khiến 2 người chết và 3 người bị thương.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã điều động phương tiện và nhân lực nhanh chóng đến hiện trường triển khai tìm kiếm nạn nhân.
Lực lượng chức năng đã giải cứu được 3 người và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị vết thương. Hai người còn lại đã tử vong tại chỗ do bị khối nhựa mặt đường và đất đá đè lên.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng để đưa thi thể 2 nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Danh tính 2 nạn nhân tử vong được xác định là ông Nguyễn Như Thắng và bà Nguyễn Thị Tâm (đều sinh năm 1973, sống tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia).
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra trên địa bàn huyện Tĩnh Gia; thăm hỏi, động viên 3 người bị thương và các gia đình có người tử vong trong vụ sạt đường dẫn lên cầu Yên Hòa.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức làm rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm và cử người trực gác, cấm người và phương tiện qua lại gần khu vực xảy ra sự cố.
Tại tỉnh Quảng Ninh, đến 9h ngày 4-7, vẫn chưa có thông tin thiệt do bão số 2 gây ra trên địa bàn. Các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, công trình hồ đập, đê điều, hạ tầng kỹ thuật đều đảm bảo an toàn.
Bão số 2 đi qua và hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất do mưa hoàn lưu sau bão gây ra.
Tỉnh chủ động kiểm tra, rà soát và bổ sung phương án đảm bảo an toàn tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là khu vực sản xuất khoáng sản, các công trình đang thi công, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt; bố trí người canh trực 24/24 giờ tại các đường tràn, ngầm tràn qua sông, suối đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân khi có mưa lớn do hoàn lưu của bão gây ra.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, tại địa phương này không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Lượng mưa trên địa bàn thành phố dao động từ 50-150mm.
Đến 9h ngày 4-7, hơn 3.000 phương tiện với hơn 15.000 lao động đang ở nơi trú ẩn đã sẵn sàng trở lại khai thác, nuôi trồng thủy sản bình thường khi có thông báo của cơ quan chức năng.
Mặc dù bão đã suy yếu thành áp thấp nhưng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, không chủ quan để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Trước đó, tàu cá HP 90571 TS bị mắc cạn và đây là trường hợp duy nhất bị nạn trong cơn bão số 2. Cụ thể, hồi 20h15 ngày 2-7, tàu cá HP 90571 TS bị mắc nạn do chết máy ở cách cửa sông Thái Bình khoảng 14 hải lý về phía Đông Nam. Đến 6h ngày 3-7, sự cố đã được khắc phục.
Sáng 4-7, trên địa bàn các xã Mường Hung, Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có nhiều đợt mưa lớn, làm sạt lở hàng trăm mét khối đất đá từ taluy dương xuống đoạn đường từ Mường Hung-Mường Cai, các phương tiện không thể lưu thông qua đoạn đường này.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sông Mã, cùng các lực lượng chức năng của các xã Mường Hung, Mường Cai có mặt tại hiện trường, phân luồng giao thông, hướng dẫn các phương tiện di chuyển và điều máy xúc tới san gạt đất đá tại điểm bị sạt lở đất.
Đến trưa 4-7, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông được qua đoạn đường này.
Trước đó, đêm 3 và rạng sáng 4-7, tại các xã Sốp Cộp, Mường Và, Mường Lạn, Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La xảy ra mưa vừa, mưa to, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân.
Gia đình anh Lò Văn Thoi ở bản Nà Dìa, xã Sốp Cộp, là một trong những hộ bị thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm do mưa lũ cuốn trôi. Hiện, ngôi nhà của gia đình anh Thoi đang sinh sống bị ngập đầy bùn đất.
Sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Sốp Cộp đã trực tiếp đi kiểm tra tại các vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ để có biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Hiện nay, do lượng nước ở thượng nguồn đổ về đang dâng cao, UBND huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo UBND các xã tập trung huy động lực lượng ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đến cơ sở nắm tình hình, phối hợp với UBND các xã bị thiệt hại tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại và hướng dẫn nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa sau bão còn diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 05 ngày 1-7 và Công điện số 06 ngày 3-7 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Hiện tại, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực ven biển vẫn còn gió mạnh, sóng lớn, do đó các địa phương cần duy trì, kiểm soát, quản lý, hướng dẫn khách du lịch, tránh hiện tượng hiếu kỳ gây mất an toàn.
Các tỉnh đồng bằng kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là các công trình xung yếu, bị sự cố, đang thi công; chủ động phương án chống ngập úng tại các khu đô thị; tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng; kiểm tra, rà soát hệ thống kênh mương, sẵn sàng vận hành thử hệ thống tiêu lớn.
Các tỉnh miền núi chủ động tích nước, đồng thời sẵn sàng các phương án điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứ, hạ du, đặc biệt cần sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công.
Các đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, bãi xả thải; sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực dân cư có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở; tổ chức cấm biển, cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.