(HNMO) - Áp sát Biển Đông, bão số 13 mạnh cấp 12, giật cấp 15 đang hướng vào vùng biển các tỉnh miền Trung. Không bị ảnh hưởng trực tiếp, thời tiết tại thành phố Hà Nội vẫn không mưa và tiếp tục rét những ngày tới...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão gần Biển Đông tiếp tục mạnh lên, hướng vào khu vực Biển Đông. Trong ngày 12-11, bão đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 13 trong năm 2020. Đến 13h ngày 12-11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Đến 13h ngày 13-11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km và tiếp tục duy trì cường độ. Đến 13h ngày 14-11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15…
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 nên các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Khánh Hòa… có mưa to đến rất to. Những sông lớn chảy qua địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục lên.
Đặc biệt, trên sông Bồ, Hương, Vu Gia, Thu Bồn… đạt mức trên báo động lũ cấp III. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu…
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, bão số 13 rất ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, từ đêm 11 đến ngày 14-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường khô nên thành phố Hà Nội ít mây, không mưa, ngày nắng hanh, đêm và sáng sớm trở rét.
Từ ngày 15 đến 17-11, thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng của vùng thấp kết hợp với đới gió trên cao nên xảy ra mưa rào; trời lạnh. Từ ngày 18 đến 20-11, thành phố Hà Nội nhiều mây, trưa, chiều giảm mây trời nắng, đêm và sáng có mưa vài nơi…
Ứng phó với bão số 13, chiều tối 11-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và bộ, ngành liên quan khẩn trương thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm…
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khẩn trương kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền tại các khu vực neo đậu; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn, sơ tán dân, khách du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển, hoạt động kinh tế, khai thác dầu khí trên biển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.