(HNMO) - Chiều 25-9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 16 tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan về ứng phó bão Noru.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái đánh giá, bão Noru có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh; là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ. Về diễn biến của bão, khoảng đêm 25-9, bão đi vào Biển Đông. Khoảng chiều và đêm 27-9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Về cường độ, bão mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 16 khi đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa; mạnh cấp 13 khi vào vùng biển gần bờ; mạnh cấp 12-13, giật trên cấp 14 khi ảnh hưởng đến đất liền...
Báo cáo về công tác phòng ngừa, ứng phó với bão, đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết, đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền với 300.128 người làm việc trên các vùng biển di chuyển hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán 213.914 hộ dân, tương ứng 868.230 người; trong đó, các tỉnh dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng sơ tán 93.312 hộ dân với 368.878 người...
"Tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 6 phương tiện, tàu thuyền với 52 lao động hoạt động trên biển. Rạng sáng mai (26-9), các phương tiện, tàu thuyền này sẽ vào nơi neo đậu an toàn. Trên đất liền, tỉnh đã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; dự trữ 100 tấn mì ăn liền, gạo và các nhu yếu phẩm khác bảo đảm cung cấp cho người dân vùng thiên tai trong 7 ngày...", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương báo cáo.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động của các cấp, các ngành, địa phương trong phòng ngừa, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão. Nhận định đây là cơn bão rất mạnh, có khả năng gây thiệt hại lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tập trung thực hiện chỉ đạo 10 nhiệm vụ nêu trong công điện của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiều 25-9. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị liên quan phải làm thật tốt công tác dự báo bão, mưa lũ... Các địa phương tạm dừng những cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão, như: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn; chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học; khảo sát, tính toán thời điểm sơ tán dân...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các địa phương tập trung chỉ đạo thu hoạch diện tích sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; dự trữ đủ nhu yếu phẩm bảo đảm đời sống người dân vùng thiên tai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.