Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bão” ngầm ở một làng nghề

Bạch Thanh| 01/04/2012 06:56

(HNM) - Xuôi theo quốc lộ 1A, cách Hà Nội khoảng 25km về phía nam, làng nghề Vạn Điểm (xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) vẫn còn dáng vóc mới mẻ, trù phú. Tuy nhiên, sau vẻ hào nhoáng đó, những cơn "sóng dữ" vẫn rập rờn quanh một số gia đình, báo hiệu sự bất ổn trong đời sống nông thôn.

Một hộ gia đình làm nghề mộc tại xã Vạn Điểm. Ảnh: Sơn Tùng

Vạn Điểm có diện tích tự nhiên 297,14ha, với 7.394 nhân khẩu, toàn xã có 3 thôn, có 90% số hộ làm nghề, còn lại là làm dịch vụ. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm trên 10% và tiếp tục giảm trong thời gian tới. Toàn xã có hơn 20 doanh nghiệp chế biến lâm sản và hơn 700 tổ hợp sản xuất quy mô hộ gia đình. Nơi đây một thời là "vương quốc" của nghề mộc, không ít gia đình trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển kinh tế, ở đây đã xuất hiện không ít hệ lụy buồn. Có tiền, một số người không còn bằng lòng với thu nhập ít ỏi, đều đặn từ làm nghề, quay sang đầu tư bất động sản. Một số hộ còn chuyển sang nghề "buôn tiền", thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác… để cho vay lãi ngoài hưởng chênh lệch. Có tiền, tệ nạn xã hội nảy sinh. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều đối tượng đứng ra kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm, lôi kéo thanh, thiếu niên vào các trò cờ bạc, đỏ đen như cá độ bóng đá, lô đề… làm mất an ninh trật tự. Cuối năm 2011 đã xảy ra 2 vụ thanh niên ẩu đả, dùng dao, súng… gây náo loạn làng quê. Cơ quan công an đã bắt giữ được 6 đối tượng về các hành vi: cố ý gây thương tích, tổ chức đánh bạc...

Trong cơn bão tín dụng đen, mặc dù mới chỉ có một cơ sở sản xuất gỗ xảy ra tình trạng bắt nợ, gán nợ… và đã được lực lượng an ninh giải quyết kịp thời nhưng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khải, trên địa bàn vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Trong thời gian tới có thể sẽ có những hộ vay ngân hàng với số tiền lớn để đầu tư kinh doanh nhưng gặp khó khăn dẫn đến phá sản. Hiện Ngân hàng Techcombank đã thông báo tới UBND xã có một hộ gia đình vay trên 6 tỷ đồng, đã 5 tháng nay không thực hiện các nghĩa vụ trả lãi và gốc nên yêu cầu địa phương phối hợp giải quyết thế chấp tài sản…

Xã Vạn Điểm hiện có một quỹ tín dụng nhân dân, với tổng nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng, mỗi hộ làng nghề chỉ được vay không quá 200 triệu đồng nên đồng vốn đã được sử dụng đúng mục đích. Còn việc có bao nhiêu hộ dân trong xã vay tiền của các tổ chức tín dụng bên ngoài thì đến giờ này, cán bộ địa phương cũng chưa thể nắm được. Theo cung cấp của một cán bộ Ngân hàng Techcombank, dư nợ của riêng đơn vị này trên địa bàn xã đã khoảng 200 tỷ đồng và hầu hết các món vay đều là trung và dài hạn. Do đó, ông Nguyễn Văn Khải cho rằng: Để giúp làng nghề duy trì sản xuất, tránh tình trạng một số hộ dân rơi vào cảnh nợ nần, phá sản, phía ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng vốn. Nên tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn làm nghề, còn những hộ có dấu hiệu sử dụng đồng vốn sai mục đích thì cần phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết, tránh tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh".

Theo ông Nguyễn Văn Khải, nạn tín dụng đen nở rộ ở các làng quê thời gian qua cũng một phần xuất phát từ việc cho vay vốn dễ dàng của một số ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng cổ phần. Mặc dù việc cho vay đều có thế chấp bằng đất đai, nhà cửa nhưng hồ sơ sản xuất, kinh doanh của các hộ chưa được thẩm định và theo dõi sát sao nên mới có tình trạng người làm nghề vay vốn rồi cho vay lại với lãi suất cao để hưởng chênh lệch. Giải quyết tình trạng này, các ngân hàng thương mại phải củng cố và siết chặt việc cho vay, tăng cường phối hợp với địa phương trong giám sát, tránh tình trạng nguồn tiền sử dụng sai mục đích.

Ông Ngô Văn Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước những khó khăn trên, UBND xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội. Mặt khác sẽ cùng chung vai với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng. Ở các thôn đẩy mạnh hoạt động của các tổ dân cư tự quản như thanh niên tự quản, phụ nữ tự quản để giữ gìn an ninh trật tự; đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, mở rộng các giải thi đấu thường niên như cầu lông, bóng đá thu hút thanh, thiếu niên tham gia vào các hoạt động xã hội lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bão” ngầm ở một làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.