(HNM) - Những đoạn video với hình ảnh binh sĩ Israel cười cợt khi bấm nút bắn pháo đánh sập một tòa nhà cao tầng như đang tham gia một trò chơi trực tuyến, cảnh người dân gào thét, hớt hải chạy loạn hoặc khóc ngất bên thi thể người thân… đã khiến cộng đồng quốc tế nhìn thấy những mặt trái...
Đề nghị nối lại đàm phán tiếp tục được nhà trung gian hòa giải Ai Cập đưa ra khi đối thoại được xem là giải pháp trước mắt để kết thúc sự hỗn loạn, đẫm máu diễn ra hằng ngày tại Gaza. Tuy nhiên, những người dân vô tội vẫn đang đợi chờ một lời hứa hẹn hòa bình mà ngay cả những người trong cuộc cũng thừa nhận việc đạt được là vô cùng khó khăn.
Gaza bị tàn phá trong bom đạn của quân đội Israel. |
Sự đổ vỡ của cuộc đàm phán nhằm hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza tại Cairo hồi tuần trước đã phần nào cho thấy sự nan giải của việc tìm đoạn kết cho cuộc chiến vừa bước sang ngày thứ 50. Theo sáng kiến hòa bình mà Ai Cập đề xuất và được cả Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ ủng hộ, Israel và Hamas phải chấm dứt lập tức các hành động thù địch trên biển, trên không và trên bộ, đồng thời Israel phải nới lỏng việc phong tỏa Gaza, mở các cửa khẩu biên giới. Tiến trình đối thoại rất được hy vọng khi phái đoàn Israel tới Cairo trên tinh thần đồng tình với các đề xuất cho đến khi họ đột ngột rời bỏ vị trí với cáo buộc Hamas đã phóng 3 rocket vào lãnh thổ Israel, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn - điều mà phong trào này phủ nhận đã thực hiện. Hành động vội vàng của đoàn đàm phán Do Thái sẽ được xem là không bất thường nếu như ngay sau đó, quân đội Israel không thực hiện cuộc oanh kích cường độ lớn với máy bay F-16 vào các vị trí đã được định sẵn ở Gaza và bắn chết 3 thủ lĩnh Hamas. Đến đây, một câu chuyện khác đã được mở ra. Có rất nhiều sự suy diễn hướng đến khả năng là Israel chưa hẳn đã đến Ai Cập để đàm phán, mà rất có thể đây là một cách kéo dài thời gian cho tình báo nước này thu thập thông tin nhằm tiêu diệt những lãnh đạo chóp bu của Hamas. Trong điều kiện hiện nay, chính quyền của Thủ tướng B.Netanyahu đang rất cần một "thắng lợi" cụ thể để chứng minh với dân chúng về tính "hiệu quả" của cuộc chiến đã tiêu tốn tới hơn 25 tỷ USD ngân khố và làm 64 binh lính tử trận, con số lớn nhất kể từ sau cuộc chiến tranh với Lebanon năm 2006. Trước đó, "thành quả" của chiến dịch oanh kích rầm rộ chỉ là những cái chết thương tâm của thường dân Gaza; những phụ nữ, trẻ con không vũ khí trên tay hay cảnh tượng hoang tàn với những ngôi nhà, trường học, thánh đường… đã vỡ vụn dưới mưa đạn.
Thế nhưng, thứ mà dư luận Israel quan tâm nhất là liệu vũ lực tại Gaza và triệt phá thành trì của Hamas có mang đến sự bảo đảm an ninh cho người dân nước này hay không lại chưa thể có câu trả lời dứt khoát. Dù kho rocket của Hamas đã vơi đi khá nhiều nhưng mối đe dọa từ loại vũ khí này không thể bị loại bỏ khi nhóm vũ trang ở Gaza được cho là có khả năng chế tạo loại tên lửa có thể bắn sâu vào lãnh thổ Israel. Chưa kể tới việc, sự thù địch kinh niên khiến lực lượng Hamas dù chỉ còn chiến binh cuối cùng cũng khó mà từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang chống lại Israel, chừng nào mục tiêu thành lập một quốc gia độc lập cho người Palestine chưa được thực hiện.
Vì vậy, vòng luẩn quẩn bạo lực khiến Gaza trung bình cứ hai năm phải hứng chịu một cuộc tấn công quân sự từ Israel như thời gian gần đây sẽ không thể bị phá vỡ nếu như nguyên nhân sâu xa dẫn tới thế bế tắc này không được giải quyết. Một thỏa thuận ngừng bắn dù lâu dài đến mấy cũng không phải là một cam kết hòa bình vĩnh viễn và thực tế đã cho thấy rõ ràng là chẳng có gì có thể bảo đảm một cuộc xung đột tương tự sẽ không diễn ra trong tương lai. Cuộc sống của 2.125 người Palestine, trong đó có đến 95% là thường dân, đã bị cướp đi oan uổng chỉ trong 50 ngày qua là lời kêu gọi khẩn thiết nhất về tầm quan trọng phải khởi động lại tiến trình hòa bình, để đạt được thỏa ước cuối cùng nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của người Palestine và sự tồn tại song song của hai nhà nước Israel, Palestine trên vùng đất Trung Đông linh thiêng và lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.