Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bạo lực học đường, sao mãi nhức nhối?

Nguyễn Xuân Bách| 31/10/2010 07:37

(HNM) - Thời gian gần đây, vụ các nữ sinh đánh nhau rồi quay video clip tung lên mạng liên tiếp xảy ra. Một lần nữa, sự sa sút về đạo đức và nạn bạo hành trong nhà trường lại trở nên đáng báo động. Bản thân học sinh và thầy cô nhìn nhận những sự việc này như thế nào?

Em Nguyễn Minh Châu, lớp 9 Trường THCS Trưng Vương:
- Gần đây nhất, em xem clip đánh nhau của các bạn nữ ở Quảng Ninh. Thật là ghê rợn khi xem clip đó. Tại sao những nữ sinh yểu điệu thục nữ lại có thể hành xử như vậy. Nào là cắt tóc, lột áo rồi đấm, đá bạn mà không một chút băn khoăn, ngại ngần. Phải chăng bây giờ có nhiều nữ sinh "máu lạnh"?. So với nam sinh thì nữ sinh bao giờ cũng e dè, nhút nhát hơn, thế nhưng thời gian gần đây, các clip đánh nhau tung lên mạng lại toàn của nữ sinh. Vấn nạn này đang gióng lên hồi chuông báo động về sự vô cảm, sa sút đạo đức của một bộ phận thanh, thiếu niên trong xã hội. Chúng em mong muốn gia đình, nhà trường và xã hội cần phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, giải pháp để kéo các bạn đó ra khỏi "vũng bùn" tội lỗi.

Em Trịnh Minh Hiếu, lớp 11 Trường THPT Trần Phú:
- Em đã xem tất cả các clip đánh nhau của các bạn nữ sinh được "tung" lên mạng. Phải nói đúng một từ là "kinh hoàng". Kinh hoàng về sự độc ác, về sự tàn bạo trong ứng xử giữa con người với nhau. Tại sao các bạn có thể ứng xử tồi tệ với nhau như vậy? Em tin là chắc rằng, những "nữ tặc" ấy không được sống trong môi trường đầm ấm, hạnh phúc, đầy tình nhân ái, bao dung. Chính vì vậy, các bạn mới mang trong mình lòng thù hận, độc ác và sẵn sàng làm những điều mà một người học sinh bình thường không bao giờ dám làm. Em nghĩ rằng, sau những sự việc này, gia đình của các bạn "nữ tặc" kia nên nhìn nhận lại trách nhiệm của mình.

Thầy Phạm Xuân Sơn, chủ nhiệm lớp 12:
- Theo suy nghĩ của tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng đau lòng trên chính là từ người lớn chúng ta. Bởi vì những hành động thiếu nhân tính và suy nghĩ dã tâm đó không thể tự nhiên sinh ra trong đầu óc các em mà phải có sự tác động từ người lớn. Có thể khẳng định rằng, các em chỉ bắt chước. Nhưng việc bắt chước này không phải nhìn thấy người lớn đánh nhau thì các em cũng đánh nhau mà nó từ nhiều góc độ: giáo dục, văn hóa, ứng xử... Và về vấn đề này, báo chí đã tốn nhiều giấy mực để bàn luận. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được điều gì để giáo dục, thay đổi nhận thức và lối sống cho các em. Chúng ta chỉ đang tập trung vào sự phát triển về vật chất mà chưa quan tâm đến sự phát triển về tinh thần. Thậm chí, ngay cả sự phát triển về vật chất cũng chưa toàn diện, sâu sắc. Minh chứng, sân chơi cho thanh, thiếu niên ở các thành phố vẫn còn rất hiếm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cằn cỗi, hạn chế trong tâm hồn các em. Theo tôi, ngay trong lúc này, cha mẹ, thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy cần phải tạo ra những môi trường trong sáng, đầy nhân ái, lương thiện cho các em. Dạy các em những kỹ năng sống để thích hợp với cuộc sống hiện tại. Có như vậy, mới hy vọng hạn chế được những hành vi bạo lực với bạn bè.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường, sao mãi nhức nhối?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.