(HNM) - Sáng 22-8, ông Hải ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm ngồi nghỉ sau khi chơi mấy “séc” cầu lông với mấy người cùng tổ. Thấy bà Liên hỏi bà Thoa:
- Sắp đến rằm tháng Bảy, bà đã sắm sanh vàng mã gì chưa?
Bà Thoa đáp:
- Con gái tôi cũng hỏi thế, tôi bảo chỉ cần vài “lễ” tiền vàng thôi!
Nghe vậy, bà Liên ngạc nhiên, nói:
- Ấy chết, nghe đâu chỉ ngày giỗ và dịp rằm tháng Bảy thì “vong” mới nhận được các thứ thôi, sao lại phiên phiến thế…
Khẽ lắc đầu, bà Thoa thổ lộ:
- Theo tôi, báo hiếu cốt ở thành tâm bà ạ! Ngay như nhà chùa cũng khuyên không nên đốt quá nhiều vàng mã, vừa tốn kém lại ô nhiễm môi trường. Vào ngày rằm, mùng một âm lịch nhiều người thiếu ý thức vẫn đem vàng mã ra vỉa hè, gốc cây, bờ tường đốt, gây mất mỹ quan và bẩn đường phố. Hơn nữa, khu mình ở là khu dân cư văn hóa nên càng phải có ý thức giữ vệ sinh chung, phải không bà?
Tuy còn phân vân, song bà Liên có vẻ ưng thuận, nói:
- Có lẽ cũng nên suy nghĩ như bà, mình nên làm gương, lớp trẻ bây giờ văn minh lắm nhưng ngại nói ra nên đành “chiều” người lớn tuổi…
Thấy hai bà tâm đầu ý hợp, ông Hải cũng vui lây.
Kể lại với Người Xây Dựng chuyện này, ông Hải cho rằng lâu nay việc mua và đốt vàng mã quá nhiều gây hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Câu chuyện của bà Liên và bà Thoa đáng để mọi người cùng suy ngẫm để có hành động, việc làm phù hợp, vừa thể hiện lòng thành kính, biết ơn vừa không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục cũng như nếp sống văn minh ở Thủ đô.
Bởi vì:
Báo hiếu cốt ở thành tâm
Phải đâu vàng mã, hóa cần rõ to
Văn minh lại bớt nỗi lo
Lãng phí, ô nhiễm, cháy do… hóa vàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.