Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên - Vì sao chưa bao phủ 100%?

Vũ Minh| 11/07/2022 16:07

(HNMO) - Học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đồng nghĩa chính sách này luôn bao phủ 100% nhóm dân số ở độ tuổi đến trường. Dù được hưởng nhiều quyền lợi, song những năm gần đây, cả nước còn nhiều học sinh, sinh viên chưa tham gia. Vậy lý do vì sao?

Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội liên tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT cho bản thân và người thân.

Nhiều trường hợp hưởng hàng trăm triệu đồng

Cũng như các nhóm đối tượng khác, học sinh, sinh viên tham gia BHYT được tạo điều kiện thuận lợi để khám, chữa bệnh. Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương đến cơ sở thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Đại đa số cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp có phòng y tế, nhân viên y tế, giúp học sinh, sinh viên có thể khám, chữa bệnh thuận tiện nhất.

Đáng chú ý, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cung cấp đa dạng dịch vụ kỹ thuật y tế để phục vụ bệnh nhân với tổng số 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT. Số tiền chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên do Quỹ BHYT thanh toán trong những năm gần đây lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm, trong đó không ít người hưởng hàng trăm triệu đồng.

Có thể kể đến Nguyễn Thị Ngọc Anh, mã thẻ SV40101220807xx, trú tại xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) điều trị cùng lúc nhiều loại bệnh nặng, được Quỹ BHYT thanh toán hơn 683 triệu trong những tháng đầu năm 2022.

Cùng thời điểm đầu năm nay, Nguyễn Phương Anh, mã thẻ SV40136201475xx, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật trung ương cũng được Quỹ BHYT thanh toán hơn 563 triệu đồng cho quá trình điều trị bệnh liên quan đến tim mạch, phổi.

Trường hợp khác là Phan Tiến Phát, mã thẻ HS40101215305xx, trú tại phường Phương Liên (quận Đống Đa) không may mắc bệnh về tim, tiêu tốn nhiều tiền điều trị, đã được Quỹ BHYT thanh toán hơn 522 triệu đồng...

Ngoài việc được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh, học sinh, sinh viên là đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT. Riêng học sinh, sinh viên thuộc diện thụ hưởng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số... được cấp thẻ BHYT miễn phí. Ngoài ra, một số địa phương còn có thêm chính sách đặc thù hỗ trợ thêm cho học sinh, sinh khi tham gia BHYT. 

Nhờ tính ưu việt, nhân văn, chia sẻ, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT không ngừng gia tăng. Nếu như năm học 2016-2017, cả nước có 15,9 triệu học sinh, sinh viên tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92,5%, thì đến năm học 2021-2022, cả nước có gần 19 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 96%.

Học sinh, sinh viên tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50%

Dù số người tham gia BHYT tăng nhanh, nhưng hiện còn khoảng 4% dân số là học sinh, sinh viên, tương ứng với khoảng 800.000 - 900.000 người chưa tham gia BHYT. Trong khi đó, tại khoản 4, điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định rõ, học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Quy định này đồng nghĩa, BHYT phải luôn bao phủ 100% nhóm dân số ở độ tuổi đến trường. 

Việc một bộ phận học sinh, sinh viên chưa có thẻ BHYT làm điểm tựa an sinh do nhiều nguyên nhân. Với sinh viên, có những người chủ quan vì đang ở tuổi trẻ, sức khỏe tốt, ít bị ốm đau, nên chưa tham gia. Về phía phụ huynh, nhiều trường hợp cho con đi học xa nhà, nên không nắm rõ con họ có tham gia BHYT hay không.

Chị Nguyễn Thị Hiên, đến từ tỉnh Thái Bình, đang chăm sóc con trai bị tai nạn giao thông gây chấn thương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Con tôi là sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sống và học xa nhà từ năm 2019 đến nay. Vì con đã lớn, nên tôi tin tưởng để con tự đóng các khoản tiền trong quá trình học tập. Năm học vừa qua, con tôi không đóng tiền tham gia BHYT mà gia đình không hay biết. Do không có BHYT, gia đình tôi sẽ phải trả 100% tiền viện phí cho con, dự kiến khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền này quá lớn đối với gia đình thuần nông như chúng tôi”. 

Với nhóm học sinh, do tuổi còn nhỏ, việc tham gia BHYT chủ yếu do phụ huynh quyết định. Thế nhưng, một số người dân chưa hiểu rõ tính ưu việt của chính sách hoặc do điều kiện khó khăn nên chưa mua BHYT cho con, cháu...

Dưới góc độ thực hiện chính sách, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật phân tích, Luật Bảo hiểm y tế đã quy định rõ, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng lại chưa có chế tài xử phạt những trường hợp không tham gia. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến một số đơn vị, nhà trường, địa phương chưa thực sự ráo riết triển khai, chưa có điều kiện ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia BHYT. 

Để BHYT bao phủ 100% dân số là học sinh, sinh viên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế theo hướng linh hoạt, chặt chẽ hơn. Cùng với đó là đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên từ 30% lên 50%.

Trước mắt, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên, giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục. Kết quả triển khai chính sách là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng của các nhà trường.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cũng được các bên cùng quan tâm, qua đó tăng tính hấp dẫn của chính sách để phụ huynh, học sinh, sinh viên thấy rõ tính ưu việt mà chủ động tham gia. 

Trên thực tế, tháng 7 hằng năm là thời điểm các ngành, đơn vị, địa phương, nhà trường chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón học sinh, sinh viên vào năm học mới. Mong rằng, mục tiêu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT sẽ được các bên quan tâm sát sao để tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội thiết thực, hữu ích. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên - Vì sao chưa bao phủ 100%?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.