Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tích lũy khi trẻ, vui khỏe tuổi già

Minh Ngọc| 01/04/2022 06:14

(HNMO) - Tục ngữ có câu: “Làm khi lành để dành khi đau”, hàm ý khuyên mỗi người lúc trẻ, có sức khỏe nên biết tiết kiệm, đề phòng rủi ro không may xảy ra trong cuộc sống hoặc khi hết tuổi lao động. Một trong những cách “để dành” thiết thực, mang lại lợi ích cho nhiều phía là tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Để đông đảo người dân được bảo vệ bởi lưới an sinh, sống vui khỏe khi tuổi già, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bài 1: “Của để dành” hữu ích

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện, với mục tiêu nhất quán là góp phần nâng cao đời sống, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không vì lợi nhuận. Nếu đóng đủ thời gian theo quy định, khi hết tuổi lao động, người dân được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Vì thế, việc người lao động tham gia chính sách này là cách tự tích “của để dành” hữu ích. 

Nhiều người có thể tham gia

Trước đây, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (làm việc có hợp đồng lao động, công chức, viên chức...) đóng BHXH đủ số năm theo quy định, khi về nghỉ hưu mới được nhận lương hưu hằng tháng và một số chính sách an sinh xã hội khác.

Từ năm 2008 đến nay, Đảng, Nhà nước ta bổ sung chính sách BHXH tự nguyện, tạo điều kiện cho lao động làm nông, lâm, ngư nghiệp, lao động làm việc không có hợp đồng lao động (lao động tự do) có khoản để dành cho tuổi già. Để thu hút đông đảo người dân có thể tham gia, chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế mở, linh hoạt. 

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều là đối tượng hướng tới của BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể chủ động lựa chọn mức đóng. Mức đóng thấp nhất bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn (tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo từng giai đoạn, từ năm 2021 về trước là 154.000 đồng/người/tháng, giai đoạn 2022-2025 là 330.000 đồng/người/tháng). Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 1,49 triệu đồng/người/tháng).

Trong quá trình đóng, tùy từng đối tượng, người đóng được Nhà nước hỗ trợ 10%, 25% và 30% mức đóng. Đáng chú ý, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tiền hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.

Thậm chí, những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu (trước đây, trường hợp này chỉ được hưởng BHXH một lần, khiến họ chịu nhiều thiệt thòi).

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong trường hợp không tiếp tục tham gia, nếu có yêu cầu, người dân được hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH tự nguyện. Khi người tham gia không may qua đời, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần lương cơ sở.

“Những quy định thông thoáng này tạo tiền đề để nhiều người dân có thể tham gia BHXH tự nguyện, qua đó được tiếp cận, thụ hưởng, bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội khi về già”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ nhận lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Hiện thực hóa ước mong có lương hưu

Sau hơn 13 năm triển khai, BHXH tự nguyện từng bước đi vào đời sống, hiện cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia. Tại Hà Nội, chính sách này trở thành điểm tựa an sinh của hơn 63.000 lao động, bằng 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu HĐND thành phố giao, qua đó góp phần hiện thực hóa ước mong có lương hưu của nhiều người. 

Chị Nguyễn Thị Thìn, tổ dân phố Tiên Trượng, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi chỉ có vài sào ruộng để cày cấy, trồng rau mang bán. Lúc rảnh rỗi, tôi đi mò trai, trùng trục kiếm thêm thu nhập. Thấm thía nỗi vất vả, tôi luôn ao ước tuổi già có lương hưu để không trở thành gánh nặng cho con, cháu, còn bản thân có cuộc sống tốt hơn”.

Sau khi tiếp nhận thông tin về BHXH tự nguyện qua các kênh tuyên truyền, chị Nguyễn Thị Thìn phấn khởi đăng ký tham gia vào cuối năm 2021 với mức đóng hơn 200.000 đồng/tháng.

“Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng tôi sẽ chắt chiu dành ra khoản tiền nhỏ mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện lâu dài. Theo nhẩm tính, khi đóng đủ 20 năm và hết tuổi lao động, tôi sẽ nhận được khoản tiền lương hằng tháng (tính theo thời điểm hiện nay là hơn 1 triệu đồng/tháng), được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe và một số chế độ đãi ngộ khác”, chị Thìn nói. 

Chung mong ước có lương hưu khi hết tuổi lao động, chị Chu Thị Thanh Vân, thôn Thượng Tả, xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 7-2020 với mức đóng 1,1 triệu đồng/tháng. Trước khi tham gia, cũng như nhiều lao động làm nông nghiệp, chị Thanh Vân lo lắng bản thân và gia đình không có đủ khả năng đóng tiền trong thời gian dài. Và chị khắc phục bằng cách mỗi ngày để dành một chút tiền, gom lại sẽ có khoản không nhỏ. 

Lao động làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Trường hợp khác chủ động tích lũy khi trẻ, để có cơ hội sống vui khỏe khi già là anh Nguyễn Duy Tưởng, thôn Ba Dư, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai). Anh Duy Tưởng cho biết: “Tôi làm công việc tự do, thu nhập không ổn định, nhưng vẫn đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2019 với mức đóng 300.000 đồng/tháng. Số tiền này không quá lớn đối với người còn tuổi lao động, mà có cơ hội nhận được khoản tiền lương đều đặn hằng tháng khi tuổi cao, sức yếu, lại được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, lợi đủ đường”...

Thời gian gần đây, hàng trăm nông dân tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện ở huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã nhận được lương hưu (năm 1999, họ tham gia bảo hiểm nông dân, sau khi mô hình này tan rã, họ được chuyển sang đóng theo chính sách BHXH tự nguyện).

Ở chiều ngược lại, việc không có khoản để dành cho tuổi già khiến nhiều người đã hết tuổi lao động vẫn phải vất vả mưu sinh. Có thể kể đến trường hợp bà Trần Thị Bách (63 tuổi), ở thị trấn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức). Vì hoàn cảnh khó khăn, lại không lương hưu, dù đã nhiều tuổi, bà Bách vẫn đang làm giúp việc cho một gia đình ở tổ dân phố 11, phường Phú La (quận Hà Đông) để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Những dẫn chứng trên là minh chứng rõ nhất để thấy, việc tham gia BHXH tự nguyện là phương án tích lũy cho tuổi già rất hữu ích.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tích lũy khi trẻ, vui khỏe tuổi già

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.