(HNM) - Năm 2020, việc thu hút số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có bước phát triển đột phá, tăng khoảng 530.000 người so với năm 2019, vượt xa kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2020 tăng 300.000 người). Đạt được kết quả này là nhờ các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực, chủ động đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến đông đảo người dân, giúp họ thấy rõ tính ưu việt và chủ động tham gia.
Tăng nhanh số người tham gia
Chị Chu Thị Thanh Vân, thôn Thượng Tả, xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) cho biết, chị làm nông nghiệp, không thuộc đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội. Với mong muốn có lương hưu khi hết tuổi lao động nên chị đã tìm hiểu kỹ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức và quản lý, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bất kỳ người lao động nào không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đều được tham gia chính sách này với các mức đóng khá linh hoạt. Cá nhân tôi lựa chọn mức đóng 1,1 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 7-2020”, chị Vân chia sẻ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Ba Vì phát triển thêm được hơn 700 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số người tham gia chính sách này trên địa bàn huyện lên gần 2.500 người. Tương tự huyện Ba Vì, so với cùng kỳ năm 2019, nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như quận Ba Đình tăng 38,4%, huyện Sóc Sơn tăng 36,2%… Tính chung, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội phát triển thêm gần 11.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2019, cơ bản hoàn thành kế hoạch cả năm 2020.
Trên phạm vi cả nước, đến hết ngày 30-11-2020, các địa phương phát triển thêm 400.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên 970.000 người. Dự kiến, năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 530.000 người so với năm 2019. Như vậy, 2020 là năm thứ hai liên tiếp, bảo hiểm xã hội tự nguyện có bước phát triển đột phá (năm 2019 đạt 107,1%, năm 2020 ước đạt hơn 90%)…
Theo Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào, năm 2020, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch không đạt kết quả như kỳ vọng, riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn tăng nhanh số người tham gia. Điều này cho thấy, nhiều người dân đã hiểu bảo hiểm xã hội tự nguyện là giá đỡ an sinh xã hội của lực lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, là “khoản để dành” khi về già.
Nỗ lực đưa chính sách vào đời sống
Nhằm đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với đông đảo người dân trong điều kiện phải hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19, năm 2020, liên ngành Bảo hiểm xã hội và Bưu điện Việt Nam đã bố trí lực lượng cán bộ, nhân viên vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động từng người tham gia.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ba Vì Vũ Hoàng Thanh cho biết, thời gian qua, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện Ba Vì tập trung vào các đối tượng có tiềm năng. Đó là những lao động bị mất việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và người lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức. Hình thức vận động khá đa dạng, từ trực tiếp, trực tuyến, phát tờ rơi, đến việc tổ chức hội nghị phổ biến chính sách… Đây cũng là cách làm của các quận, huyện, thị xã khác trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, việc phát triển mạng lưới cộng tác viên và đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đặc biệt quan tâm. “Đến nay, cả nước đã có hơn 12.400 đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với hơn 37.300 điểm thu và hơn 52.200 nhân viên đại lý thu, phủ kín đến cấp thôn, làng, tổ dân phố. Bất cứ người dân nào có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhân viên đại lý thu sẽ có mặt kịp thời”, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào cho biết.
Còn theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, để tạo thuận lợi, giúp người dân có thể tiếp cận với chính sách bảo hiểm tự nguyện qua nhiều kênh thông tin, toàn ngành tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, để mọi người dân đều có cơ hội tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.