Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm nông nghiệp: Ngổn ngang trăm mối khó

Hương Ly| 10/05/2013 06:05

(HNM) - Theo thống kê của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ sáu trong các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, mỗi năm thiệt hại khoảng 1,8 tỷ USD.



Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), hỗ trợ 100% phí bảo hiểm (BH) cho hộ nông dân, cá nhân nghèo đã thiết thực giúp nông dân giảm bớt thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Gần 500 tỷ đồng tiền bồi thường đã và sẽ được chi trả sau gần hai năm triển khai. Song hiện tượng trục lợi và chi phí tổn thất quá cao trong BHNN đang là những thách thức trong giai đoạn tiếp theo. Đây là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị tổng kết triển khai thí điểm BHNN do Bộ Tài chính tổ chức ngày 9-5 tại Hà Nội.

Nhiều hộ chăn nuôi đã giảm được những thiệt hại đáng kể khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: Thái Hiền


Hàng trăm nghìn hộ dân được hỗ trợ phí bảo hiểm

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), sau giai đoạn triển khai thí điểm, đến ngày 30-4-2013, BHNN đã được triển khai ở các tỉnh, thành trên toàn quốc. Đã có 234.235 hộ dân ký hợp đồng BHNN, trong đó có 80,8% là hộ nghèo. Tổng giá trị BH cây trồng, vật nuôi, thủy sản là hơn 5.437 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí BH gốc hơn 303 tỷ đồng.

BHNN với cây lúa được triển khai tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp với tổng diện tích 45.412ha, 189.797 hộ tham gia. Các hộ gặp rủi ro đã được bồi thường hơn 6,3 tỷ đồng và số sẽ được bồi thường 2,8 tỷ đồng. BHNN với vật nuôi được triển khai tại Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai với tổng số 623.131 con trâu, bò, lợn, gia cầm, thu hút 29.163 hộ tham gia. Đã bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng và số sẽ được bồi thường là 258 triệu đồng. Với thủy sản đã triển khai tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau với tổng diện tích 5.523ha và 15.275 hộ tham gia. Đã bồi thường hơn 458 tỷ đồng và sẽ bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, việc triển khai đã thu được kết quả khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, thành viên Ban chỉ đạo BHNN Hà Nội cho biết, 2 huyện Chương Mỹ và Ba Vì được lựa chọn triển khai thí điểm với vật nuôi được BH là lợn và bò. Thời gian đầu, do phạm vi và đối tượng BH hẹp, nên dù tuyên truyền tích cực người dân cũng không mặn mà. Sau khi mở rộng phạm vi BH với 6 loại bệnh của lợn và 3 loại bệnh của bò, BHNN đã đạt hiệu quả rõ rệt. Hiện đã thực hiện BH cho gần 10.000 con lợn và trên 1.000 con bò.

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, BHNN là loại hình mới, rất phức tạp và lần đầu thí điểm nên trong quá trình triển khai cần rà soát thường xuyên về cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng tốt yêu cầu BH thực tế của nông dân. Rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong BHNN nhiều khi mang tính chất thảm họa, với mức độ thiệt hại về tài chính rất lớn, vượt xa năng lực của DN BH nên rất cần sự hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm. Song với tình hình tổn thất quá cao hiện nay, DN tham gia thí điểm đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái tiếp tục các hợp đồng BH của năm tới.

Trên thực tế, trong giai đoạn thí điểm, DN BH bị lỗ nặng. Bởi tổng doanh thu phí BH gốc chỉ đạt hơn 303 tỷ đồng, trong khi số bồi thường riêng với thủy sản đã gần 500 tỷ đồng. Đại diện một số DN cho biết, tổn thất cao ngoài những nguyên nhân khách quan còn do tình trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra khá phổ biến.

Sau những "vấp váp", nhiều bài học kinh nghiệm đã được nêu tại hội nghị. Theo đó, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng từ trung ương tới địa phương, việc sửa đổi bổ sung chính sách với BHNN đóng vai trò rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu BH của người dân và thu hút các hộ tham gia. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác hợp đồng BHNN mới, việc nâng cao năng lực giám sát rủi ro cần được đẩy mạnh nhằm giảm tổn thất cho DN bảo hiểm. Quy trình giải quyết bồi thường kịp thời, đúng chế độ quy định cần được triển khai đồng bộ. Theo ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, việc bồi thường BHNN chưa kịp thời do còn manh mún về nhân lực. Tại nhiều địa phương, số hộ tham gia BHNN rất lớn trong khi nhân lực tham gia giám sát, quản lý chỉ vài ba chục người. Điều này khiến quy trình đánh giá, bồi thường thiếu kịp thời, làm người dân mất lòng tin, DN mất uy tính, ảnh hưởng đến chính sách chung là kịp thời giảm tổn thất cho nông dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu cơ chế chính sách BHNN, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích người dân, DN BH và Nhà nước. Các DN BH tăng cường quản lý, giám sát ngăn chặn và phòng chống trục lợi BH nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngân sách cũng như DN. Liên bộ sẽ giám sát chặt chẽ tình hình triển khai BHNN tại từng địa phương, bảo đảm quyền lợi của người dân tham gia BH được thực thi công bằng và đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm nông nghiệp: Ngổn ngang trăm mối khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.