Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm mua dễ, khó đòi

Hương Ly| 10/03/2012 07:17

(HNM) - Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2011 các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã chi trả 13.500 tỷ đồng tiền BH cho khách hàng. Tuy nhiên, để nhận được khoản bồi thường như thỏa thuận đã ký trong hợp đồng thật không dễ.

Bên cạnh phải hoàn thành hàng loạt thủ tục, việc phải chờ đợi trong một thời gian dài, hay bị từ chối bồi thường là những phiền hà khiến khách hàng phải cân nhắc trước khi quyết định ký hợp đồng BH.

Các công ty bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. 

Gian nan đòi quyền lợi...

Công ty CP NISHU Nam Hà đã ý thức việc mua BH rủi ro hỏa hoạn cho nhà xưởng và nguyên liệu sản xuất. Sau nhiều lần lựa chọn, DN đã quyết định chọn Công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI) do tin tưởng vào năng lực chi trả cũng như uy tín của đối tác. Tuy nhiên, khi rủi ro không may đã xảy ra, Công ty CP NISHU Nam Hà đã gặp phải nhiều trở ngại để đòi quyền lợi chính đáng. Ông Đỗ Việt Anh, Giám đốc Công ty CP NISHU Nam Hà cho biết, ý thức được tầm quan trọng của việc BH rủi ro trong quá trình sản xuất, từ năm 2009 đơn vị đã ký các hợp đồng BH hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt cho nhà xưởng, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất với VNI. Tháng 8-2010, khi hợp đồng hết hạn, VNI đề nghị NISHU Nam Hà tiếp tục ký hợp đồng và đã phát hành hóa đơn thu phí BH. Đầu tháng 1-2011, khu nhà xưởng của Công ty CP NISHU Nam Hà tại khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) xảy ra hỏa hoạn. Theo biên bản giám định tổn thất BH tài sản do giám định viên của VNI thực hiện, mức tổn thất thực tế từ vụ cháy là hơn 14 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân gây cháy là do chập điện trên đường dây tải từ trạm biến áp vào khu vực nhà kho, nhà xưởng. Công ty CP NISHU Nam Hà đã yêu cầu VNI giải quyết bồi thường theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, tháng 4-2011, VNI đã thông báo từ chối bồi thường tổn thất "do các hợp đồng BH trong tình trạng nộp phí chậm, nên không phát sinh trách nhiệm BH". Sau nhiều buổi làm việc với VNI nhằm đưa ra bằng chứng về việc đóng phí đầy đủ, đồng thời nêu rõ việc thiếu hoàn toàn cơ sở pháp lý của VNI khi từ chối bồi thường, song Công ty NISHU Nam Hà vẫn chưa đòi được quyền lợi chính đáng, Công ty CP NISHU Nam Hà đành nộp đơn tới Tòa án nhân dân TP Hà Nội khởi kiện VNI với hy vọng sẽ đòi tiền BH theo đúng những giao kết đã ký. Trong khi chờ phân xử, DN đành phải tự bỏ tiền khắc phục hậu quả của vụ cháy và tiếp tục duy trì hoạt động SXKD.

Trường hợp mua BH thì dễ, đòi BH quá khó của Công ty CP NISHU Nam Hà không phải là cá biệt, mà diễn ra khá phổ biến. Nhiều khách hàng mua BH ô tô cũng không khỏi thất vọng khi đòi quyền lợi BH. Anh Nguyễn Trường Sinh, một chủ xe ô tô tại Hà Nội cho biết, mỗi năm gia đình chi trả hơn 10 triệu đồng mua BH, nhưng khi không may bị va chạm, việc đề nghị thay thế thiết bị của anh không diễn ra suôn sẻ như những lời quảng cáo của DN. Sau khi chờ hàng tháng trời với lý do thiết bị thay thế phải nhập khẩu do hết hàng, anh Sinh đành tự bỏ tiền khắc phục. Sau sự cố này gia đình anh đã quyết định chấm dứt mua BH ô tô để dành khoản tiền này cho việc tự sửa xe nếu rủi ro không may xảy ra.

Cần nâng cao chất lượng phục vụ

Theo Bộ Tài chính, năm 2011 khối DNBH phi nhân thọ đã chi 8.000 tỷ đồng tiền bồi thường nhằm khắc phục tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra cho khách hàng tham gia BH. Tại khối BH nhân thọ, số tiền chi trả quyền lợi BH ước đạt 5.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính nhận định, năm 2011 thị trường BH Việt Nam không chỉ tăng trưởng về "lượng", mà còn có sự biến đổi về "chất". Những cải tiến, như công khai, minh bạch về hồ sơ, thủ tục, quy trình giám định và giải quyết bồi thường do các DNBH tích cực triển khai không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng mà còn củng cố thêm vị thế của các DNBH trong nền kinh tế. Năm 2012, Bộ Tài chính đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng của năm 2011 với tổng doanh thu phí BH năm 2012 ước đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, tăng 19-21%. Bộ Tài chính cũng khẳng định hoạt động quản lý, giám sát sẽ dựa trên tiêu chí thận trọng, can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm nhằm hỗ trợ thị trường BH tăng trưởng bền vững.

Mặc dù trên thực tế hành vi trục lợi BH diễn ra khá phổ biến, song để thu hút khách hàng đến với những sản phẩm BH, việc nâng cao chất lượng phục vụ của DNBH là cách thuyết phục hiệu quả nhất. Theo điều 15 Luật Kinh doanh BH, trách nhiệm BH phát sinh khi hợp đồng BH đã được giao kết, hoặc khi có bằng chứng DNBH đã chấp nhận BH và bên mua BH đã đóng phí BH, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng BH. Như vậy, việc tuân thủ nghiêm những thỏa thuận đã ký kết của cả người bán và người mua BH là phương thức duy nhất giúp hoạt động BH trở nên minh bạch, lành mạnh hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường BH phát triển bền vững, từ đó có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm mua dễ, khó đòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.