(HNM) - Mặc dù quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... vẫn rất thờ ơ. Những quy định chặt chẽ hơn trong Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15-4-2018, được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này.
Mua bảo hiểm cháy nổ sẽ giúp người dân khắc phục hậu quả do hỏa hoạn gây ra. Ảnh: Hoàng Anh Trong ảnh: Diễn tập chữa cháy tại tòa nhà Keangnam Hà Nội. |
Thờ ơ và "lách luật"
Mua bảo hiểm cháy nổ là quy định bắt buộc theo Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ; và theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 15-4 tới, các cơ sở như: Chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên, trường đại học, nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay trên toàn quốc mới chỉ có 56% cơ sở (43.693 đơn vị) có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Như vậy, vẫn còn 44% cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, nhưng chưa tham gia bảo hiểm. Nguyên nhân là cộng đồng doanh nghiệp, người dân thường xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy và coi đây là chuyện may rủi, nên chưa đầu tư đúng mức. Nhiều đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia vẫn cố tình làm trái quy định, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ. Thậm chí, một số doanh nghiệp "lách luật" bằng cách mua ghép bảo hiểm cháy nổ vào tài sản kỹ thuật để giảm chi phí.
Tại Hà Nội, hiện nay mới chỉ có 179/718 chung cư cao tầng, nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân chấp hành quy định này. Trong đó, hơn 50% là các chung cư thương mại và chung cư cao cấp. Việc chỉ có khoảng 30% các tòa nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội mua bảo hiểm cháy nổ cho thấy các chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, với chính cư dân sống tại các khu chung cư cũng không có nhiều người ý thức về hậu quả do hỏa hoạn gây ra. Trao đổi với phóng viên, nhiều người sống tại các chung cư cao tầng ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy... tỏ ra khá lạ lẫm với việc mua bảo hiểm cháy nổ. Chị Lê Quỳnh Anh, cư dân sống tại Khu đô thị Linh Đàm cho rằng, trách nhiệm này "có lẽ thuộc về chủ đầu tư".
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm phân bổ, công bố công khai mức thu và mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Đồng thời, người dân có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình. Vì thế, cần phân định rõ diện tích chung, riêng của chung cư để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra cháy nổ.
Nâng cao ý thức
Điều 46 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định, trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua thì sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với cá nhân và 60-100 triệu đồng đối với tổ chức. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện cũng bị phạt 40-50 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông). Ảnh: Đông Hà |
Anh Phạm Hoài Nam, một chủ khách sạn mini tại quận Hoàn Kiếm nhận xét, việc mua bảo hiểm cháy nổ khá dễ dàng. Chỉ cần đưa bản vẽ từng tòa nhà, chụp hình, tự định giá trị xây dựng của căn nhà gửi cho công ty bảo hiểm. Tùy thuộc vào mức độ cũ hay mới, giá trị căn nhà, công ty bảo hiểm sẽ thẩm định và tính phí bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm cháy nổ thông thường chỉ bảo hiểm giá trị xây dựng, nên phí không quá cao. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ ký hợp đồng khi bên mua được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cháy nổ là yếu tố do con người gây ra, không phải thiên tai, rất nguy hiểm đến tính mạng nhiều người, nhưng ở nước ta nhiều người vẫn có tâm lý coi thường. Đây là lỗi hệ thống từ chủ đầu tư, cơ quan chức năng và cả người dân.
Chính vì thế, theo Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cùng với việc đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm thì người mua nhà cũng phải tự trang bị kiến thức pháp luật và cương quyết từ chối mua, nhận những sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng, đồng thời có ý thức chấp hành nghiêm việc mua bảo hiểm cháy nổ phần diện tích cá nhân nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có.
Thời gian tới, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện bảo hiểm cháy nổ; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tiếp cận khách hàng, cải tiến sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP gồm 3 chương, 18 Điều quy định cụ thể về điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy; trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc... Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị, các loại hàng hóa, vật tư. Điều 12 của nghị định nêu rõ về việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Mức phạt áp dụng theo Điều 46 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.