Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Cần thiết sao vẫn thờ ơ?

Đức Anh - Mai Hữu| 07/10/2018 06:44

(HNM) - 638 vụ cháy khiến 17 người thương vong, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 291 tỷ đồng là những con số đáng báo động trong 9 tháng năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội.

Cùng với mua bảo hiểm, việc thường xuyên diễn tập, tập huấn sẽ góp phần giảm thiệt hại khi cháy, nổ xảy ra.


Hiểm họa khôn lường

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đơn cử, ngày 17-9-2018, vụ cháy lớn trên đường Đê La Thành (quận Ba Đình) đã khiến 2 người thiệt mạng, 19 ngôi nhà bị thiệt hại. Trước đó, vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TP Hồ Chí Minh) cũng gây thiệt hại lớn về tài sản và khiến 13 người thiệt mạng.

Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, sai phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy vẫn rất phổ biến. Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng đã phát hiện và đình chỉ hoạt động 892 cơ sở kinh doanh karaoke, công bố danh sách 199 cơ sở, công trình nhà cao tầng ở Hà Nội còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, trong đó chỉ có 11 công trình hoàn thành khắc phục tồn tại.

Để phòng và hạn chế tổn thất do cháy, nổ gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, từ ngày 15-4-2018, tất cả các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên, nhà trẻ, trường mẫu giáo trông giữ từ 100 cháu trở lên, cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ siết chặt công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy, khuyến khích các tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại văn bản này mua bảo hiểm trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm...

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc thực hiện quy định này. Bà Nguyễn Thị Mai, cư dân sống ở một chung cư lớn tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, hầu hết các hộ dân tại đây đều không biết quy định về bảo hiểm cháy, nổ. Chỉ sau khi nhiều sự cố nghiêm trọng xảy ra, cư dân mới quan tâm, tìm hiểu về loại hình bảo hiểm này.

Cần thay đổi từ nhận thức

Tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho cư dân tại chung cư TNR Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu).


Trước những thiệt hại nặng nề do cháy, nổ gây ra thời gian gần đây, một bộ phận người dân đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ. Anh Dương Gia Anh, chủ một căn hộ chung cư ở quận Cầu Giấy cho biết: “Hằng tháng, cư dân chung cư vẫn đóng một khoản tiền dịch vụ cho tòa nhà, nhưng chúng tôi không thấy có mục nào là bảo hiểm cháy, nổ. Sau những vụ cháy nghiêm trọng xảy ra gần đây, tôi sẽ phải thay đổi và không thể thờ ơ với bảo hiểm cháy, nổ được nữa...”.

Để chủ động giảm thiểu thiệt hại trước những rủi ro cháy nổ, mỗi gia đình nên tự tham gia một gói bảo hiểm cháy, nổ để đề phòng rủi ro. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích khi tham gia bảo hiểm cháy, nổ, mỗi gia đình tham gia loại bảo hiểm này là cần thiết, bởi khó có thể lường trước được rủi ro xảy đến lúc nào.

Cùng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đối với nhà chung cư, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành tòa nhà phải có trách nhiệm phân bổ, công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Đồng thời, người dân có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình. Theo đó, cần phân định rõ diện tích chung, riêng của chung cư để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra cháy, nổ.

Tại Hà Nội, công tác phòng chống cháy, nổ luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thông tin, đến thời điểm hiện tại, chưa có số liệu thống kê cụ thể các cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân do việc mua bán bảo hiểm là thỏa thuận ký kết giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy không tham gia trong quá trình giao dịch này. Định kỳ, qua công tác kiểm tra nếu phát hiện đơn vị chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mới ra quyết định xử phạt theo đúng quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP.

Thời gian tới, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục thực hiện kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh, cơ sở, nhà chung cư cao tầng theo sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Một trong những nội dung đó là kiểm tra công tác mua bảo hiểm cháy, nổ của các chủ đầu tư, chủ cơ sở, nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và công bố để người dân được biết.

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đánh giá, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP là một trong những lá chắn kinh tế hữu hiệu, bảo đảm độ an toàn cho nguồn tài chính, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu mối. Việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cũng đóng góp một phần kinh phí quan trọng trong việc đề phòng hạn chế tổn thất do cháy, nổ gây ra thông qua việc trích một phần từ phí bảo hiểm để hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, dần tiến tới xã hội hóa trong công tác này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Cần thiết sao vẫn thờ ơ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.