Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ xử lý dứt điểm vi phạm Luật Đê điều?

Hoàng Minh| 27/03/2018 07:13

(HNM) - Thuê đất bãi để sản xuất nông nghiệp nhưng một số tổ chức, cá nhân lại sử dụng làm bãi chứa, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng không phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Đất đai và gây ô nhiễm môi trường khu dân cư

Các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng tại phường Phú Thịnh hoạt động hết công suất.



Thu hồi đất trên... giấy

Trên địa bàn phường Phú Thịnh hiện có 8 hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp để làm bãi chứa, trung chuyển và kinh doanh vật liệu xây dựng tại 9 điểm và 1 hộ sử dụng đất để làm địa điểm đóng tàu, với tổng diện tích 4,7ha (từ Km28+700 đến Km30+600 đê hữu Hồng). Trước đây, diện tích đất này do UBND phường Phú Thịnh quản lý, cho các hộ thuê để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do công tác quản lý đất đai bị buông lỏng trong thời gian dài; diện tích đất thuê thầu gần với đất thổ cư của một số hộ gia đình trong hai tổ dân phố Hồng Hậu và Yên Thịnh nên các hộ thuê đất đã tự ý chuyển mục đích sử dụng làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, đóng tàu, xây dựng một số công trình…

Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã Sơn Tây về tăng cường quản lý trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng và xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, từ năm 2012, UBND phường Phú Thịnh đã hoàn thiện thủ tục thanh lý toàn bộ hợp đồng thuê đất với các hộ dân do UBND phường cho thuê không đúng thẩm quyền, hoặc các hộ sử dụng đất không đúng mục đích; ra thông báo chấm dứt thuê đất đối với các hợp đồng thuê đất công ở khu vực bến bãi Hồng Hậu, Yên Thịnh. Đầu năm 2015, UBND phường Phú Thịnh tiếp tục ban hành 9 thông báo yêu cầu các hộ dừng hoạt động tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; di chuyển tài sản, nguyên vật liệu, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho UBND phường quản lý, sử dụng theo đúng quy định… Đáng nói, cũng trong năm 2015, UBND phường Phú Thịnh đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn… Thế nhưng, đã gần 3 năm trôi qua, công tác xử lý vi phạm và thu hồi đất vẫn chỉ nằm trên... giấy?

Theo quan sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới, hiện nay, các bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động hết công suất. Rất nhiều máy xúc, băng chuyền và phương tiện khác đang được các chủ bến bãi sử dụng để trung chuyển, tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhiều đống cát, đá, sỏi chất cao như “núi”, xe ô tô tải các loại thường xuyên ra vào bến bãi để nhập hàng. Không chỉ sử dụng đất sai mục đích, hoạt động trên còn “rải” cát bụi, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng giao thông. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng UBND thị xã Sơn Tây và phường Phú Thịnh không thể xử lý vi phạm?

Cần xử lý dứt điểm

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết, việc xử lý các bến bãi vi phạm đã và đang gặp nhiều khó khăn vì hoạt động này đã diễn ra từ lâu. Hiện các hộ đã đầu tư nhiều vốn để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ kinh doanh cát, đá, sỏi; một số hộ xây dựng công trình kiên cố trên đất thuê thầu, do vậy, vượt thẩm quyền xử lý của UBND phường. Chưa kể, khu vực bãi Hồng Hậu và Yên Thịnh rất thuận lợi cả về giao thông thủy và bộ. Để xử lý được vi phạm, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng trong việc cấm phương tiện bến thủy cập bến giao hàng, cấm phương tiện vận tải đường bộ ra vào bãi bốc hàng...

Được biết, theo Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 1-2-2013 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phường Phú Thịnh được quy hoạch 1 điểm làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích 1,493ha. Cụ thể hóa quy hoạch của thành phố, ngày 29-1-2016, UBND thị xã Sơn Tây ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng điểm trung chuyển vật liệu xây dựng tại phường Phú Thịnh. Tuy nhiên, do thành phố đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, nên quy hoạch bến bãi của thị xã Sơn Tây phải tạm dừng thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến những hộ kinh doanh bến bãi ở phường Phú Thịnh vin vào để tiếp tục hoạt động, chờ quy hoạch(?).

Nhằm lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, hạn chế tối đa vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, đề nghị UBND thị xã Sơn Tây, phường Phú Thịnh và các ngành chức năng sớm kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm kể trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ xử lý dứt điểm vi phạm Luật Đê điều?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.