(HNMO) - Tháng 10-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin về kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp. Hơn 2 tháng qua, thành phố đã triển khai được một phần kế hoạch nhân văn này, nhưng để đạt mục tiêu đặt ra còn nhiều việc phải làm.
Nhu cầu cấp thiết
UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố là địa phương có mật độ dân số lên đến 4.292 người/km², cao nhất cả nước. Nhu cầu nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhà giá rẻ (khoảng 1 tỷ đồng/căn) đã không có trên thị trường. Việc này khiến hàng triệu người lao động tại thành phố không có chỗ ở đạt chuẩn tối thiểu, bởi họ chỉ có thể dành khoảng 15 - 20% thu nhập hằng tháng (tương đương 1,5 - 2 triệu đồng) cho tiền nhà ở.
Thực tế này làm xuất hiện những xóm trọ đông đúc, chật chội ở mọi địa phương, nơi 2-3 người ở trong căn phòng diện tích từ 10-16m2. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều xóm trọ này đã trở thành ổ dịch lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra, việc không có nhà ở thuận lợi cũng khiến nhiều lao động bỏ thành phố về quê mà không trở lại sau cao điểm chống dịch bệnh. Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng thành phố Hồ Chí Minh, nếu người lao động được an cư, họ sẽ yên tâm gắn bó để lạc nghiệp cùng thành phố.
Để hiện thực hóa kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, theo phân công của UBND thành phố, Sở đã tiến hành rà soát 23 dự án có quỹ đất tại các huyện ngoại thành và các địa phương có nhiều khu công nghiệp để xây nhà ở xã hội cho người lao động.
Theo dự thảo Kế hoạch chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu phát triển 366.510 căn nhà (khoảng 50 triệu m² sàn, trong đó, nhà ở xã hội chiếm 50%, khoảng 2,5 triệu m² sàn). Cùng với đó, thành phố phát triển thêm 612.000 m² sàn nhà ở làm nhà ở cho công nhân, người lao động. Đến năm 2030, thành phố sẽ giải quyết được chỗ ở cho 511.141 công nhân, người lao động.
Từ tháng 10-2021 đến nay, một phần kế hoạch này đã được thực hiện. Cụ thể, UBND thành phố Thủ Đức đã khởi công dự án Nhà ở xã hội cho công nhân nằm trên khu đất có diện tích 20.875 m2 gần Khu Công nghiệp Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi, quy mô hơn 1.000 căn hộ; tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng từ ngân sách. Còn Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Mục đích để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân.
Nhiều kiến nghị gỡ vướng mắc
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, 1 triệu căn nhà giá rẻ là một chỉ tiêu thực sự thử thách, do những khó khăn về quỹ đất và các thủ tục pháp lý. Chỉ khi thành phố chủ động giao quỹ đất để doanh nghiệp xây dựng, mới có thể hạ giá thành căn hộ xây dựng trên đó. Nếu để doanh nghiệp tự đi mua gom và thu hồi đất làm dự án, sẽ không thể có nhà giá rẻ.
Về vấn đề pháp lý, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, nhận định, do chưa có quy định riêng cho dự án nhà ở xã hội hay quy chuẩn riêng về thiết kế loại hình nhà ở này, nên doanh nghiệp thường phải mất vài năm để điều chỉnh quy hoạch cục bộ, khiến thời gian thực hiện dự án thường kéo dài hơn 5 năm, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Từ góc độ khác, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Trường Phát, cho rằng sau khi có quỹ đất hoặc khu vực được quy hoạch xây nhà ở xã hội, sau khi các thủ tục hành chính, pháp lý đã được rút gọn, doanh nghiệp tham gia dự án còn cần được hưởng lãi suất thấp để có nguồn tiền thực hiện dự án, do tỷ suất lợi nhuận ở những dự án nhà ở xã hội là rất thấp. Theo ông Dũng, mức lãi suất này chỉ nên ở mức 5%/năm là phù hợp.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, những vướng mắc trên đang được khẩn trương xem xét, giải quyết. Trước mắt, cùng với việc triển khai các phần việc như thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã làm như đã nêu ở trên, Sở Xây dựng còn tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục phát triển nhà ở hộ gia đình dân tự xây, phát triển nhà ở tập trung, tăng mạnh tại các quận nội thành phát triển, các huyện ngoại thành và giảm dần tại khu vực nội thành trung tâm.
“Sở Xây dựng đã rà soát và thống kê được trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê là 1.699.000 người, trong đó có 886.000 công nhân. Sở đang rà soát tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân để có cơ chế hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang lại và tiếp tục khuyến khích phát triển số nhà cho thuê này để nâng cao chất lượng sống cho người lao động thuê nhà trong thời gian hoàn chỉnh cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ nhà ở xã hội trong thời gian tới”, ông Trần Hoàng Quân thông tin.
Ngày 21-12, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã trình UBND thành phố phương án rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Theo đó, nếu doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng dự án là 65 ngày, giảm 150 ngày so với trước đây. Nếu đất do Nhà nước quản lý, tổng thời gian thực hiện trong trường hợp tổ chức đấu thầu có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia là 95 ngày; trường hợp có từ 2 nhà đầu tư tham gia trở lên là 215 ngày, trong đó, 60 ngày để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, giảm 305 ngày so với trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.