(HNM) - Trong khi các quận đang phát triển mạnh việc lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời ở địa điểm công cộng thì ở khu vực ngoại thành hầu như chưa được triển khai. Câu hỏi đặt ra: Bao giờ khu vực ngoại thành mới lắp đặt các thiết bị này để người dân được hưởng thụ lợi ích từ việc tập luyện thể thao?
Nhu cầu có thật
Đưa phóng viên ra sân bóng của Trung tâm TDTT huyện, ông Nguyễn Xuân Tuyến - Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Quốc Oai nói rằng, từ khi mặt sân được làm bằng cỏ nhân tạo, mỗi ngày có cả nghìn người, đủ lứa tuổi đến sân tập luyện, vui chơi. Rõ ràng, nhu cầu vui chơi, tập luyện thể thao của người dân địa phương là có thực, nhưng hình thức lại nghèo nàn, chủ yếu là đi bộ và tập thể dục vì thiếu dụng cụ tập luyện ngoài trời như ở các quận.
Các huyện ngoại thành còn rất thiếu những dụng cụ thế này để người dân tập thể dục. |
Ông Nguyễn Xuân Tuyến chia sẻ, ông cũng đã biết về việc lắp đặt thiết bị thể thao cộng đồng tại các quận nội thành đã thu hút nhiều người dân đến tập luyện. Ngặt nỗi, kinh phí của huyện có hạn trong khi kêu gọi xã hội hóa cho việc này tại địa phương gặp vô vàn khó khăn. Ước tính, kinh phí lắp đặt 20 - 25 thiết bị ở một địa điểm cũng gần bằng kinh phí hoạt động một năm của Trung tâm. Thế nên, khi được Sở VH-TT Hà Nội đề nghị giới thiệu địa điểm để khảo sát, lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời thì Trung tâm như “bắt được vàng”, dù biết rằng giới thiệu địa điểm rồi nhưng đến lúc nào được lắp đặt lại là chuyện khác.
Huyện Đông Anh cũng có chung tình trạng “khát” thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời. Sân vận động Trung tâm TDTT huyện từ nhiều năm nay vẫn là địa điểm tập luyện của đông đảo nhân dân. Vườn hoa thị trấn Đông Anh cũng được nhiều người tìm đến để tập luyện. Nhưng do không có thiết bị đã hạn chế cách thức tập luyện của người dân. Ở huyện đã vậy, ở xã lại càng khó. Anh Nguyễn Văn Phong, xã Xuân Canh (Đông Anh) cho biết: "Chúng em sang bên quận Tây Hồ thăm người nhà thấy người dân tập luyện có thiết bị thể thao ở ven hồ mà thèm. Ở chỗ em, người dân chỉ biết đi bộ và chạy. Nếu lắp đặt thiết bị như vậy tại Nhà văn hóa thôn hay ở trung tâm xã, chắc sẽ có đông người dân đến tập luyện hơn”...
Tại một cuộc họp gần đây của Sở VH-TT Hà Nội với các quận, huyện, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thuyên đã thẳng thắn chỉ ra rằng đang có sự chênh lệch đáng kể về việc lắp đặt trang thiết bị thể thao ngoài trời tại các huyện, thị xã so với các quận. Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Thuyên kiến nghị, Sở VH-TT cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho khu vực ngoại thành lắp đặt thiết bị này.
Linh hoạt cách thức đầu tư
Gần ba năm nay, Sở VH-TT Hà Nội đã thực hiện lắp đặt thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời tại một số quận như Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình... Đây được coi là một trong những thành công của Sở VH-TT Hà Nội khi các điểm công cộng có thiết bị tập luyện đã thu hút hàng nghìn lượt người tập luyện mỗi ngày. Nhận thấy tác dụng tích cực nên nhiều địa phương đã trích kinh phí đầu tư lắp đặt thêm tại các địa điểm khác trên địa bàn. Tiêu biểu như Tây Hồ, ngoài lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời tại vườn hoa phường Nhật Tân, chính quyền quận đã đầu tư thêm 2 địa điểm khác ven hồ Tây vào tháng 6 vừa qua, thu hút rất đông người dân đến tập luyện. Hiện nay, quận Long Biên và Cầu Giấy đang thuộc nhóm đầu trong số các quận được đầu tư thiết bị thể thao ngoài trời từ nhiều nguồn tài chính khác nhau.
Sân vận động huyện Quốc Oai mới được đầu tư nhưng không có thiết bị tập luyện ngoài trời.Ảnh: Lê Tuấn |
Tháng 7 vừa qua, Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành khảo sát nhu cầu lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời ở các huyện để có thể tiến hành lắp đặt từ năm 2017. Mỗi huyện khảo sát và đề xuất từ 2 đến 3 địa điểm. Nhưng hiện nay, mỗi năm kinh phí của Sở chỉ cho phép lắp đặt thiết bị được ở 2 - 3 địa điểm. Như vậy, tính ra phải hơn mười năm nữa mới có thể đáp ứng hết nhu cầu hiện tại. Rõ ràng là việc thu hẹp khoảng cách giữa nội - ngoại thành vẫn còn rất xa. Vậy nên, rất cần có sự linh hoạt hơn trong cách thực hiện đầu tư từ thành phố để mỗi huyện sớm có ít nhất một địa điểm được lắp đặt thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời, qua đó tạo đà giúp chính quyền địa phương tìm kiếm nguồn đầu tư xã hội hóa mạnh hơn nữa cho hoạt động này. Đây cũng là cách để nâng cao chất lượng phong trào tập luyện TDTT cho khu vực ngoại thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.