Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết xa lạ ?

Bạch Thanh| 06/03/2010 07:41

(HNM) - Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP được xem như giấy thông hành để đưa hàng nông sản vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng những vùng chuyên canh rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lại gặp rất nhiều khó khăn.


Qua 5 năm thí điểm, đến nay cả nước mới chỉ có 5% rau, quả là sản phẩm có mác VietGAP. Vì thế, từ năm 2010, Bộ NN&PTNT đã phát động phong trào thi đua áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả an toàn trong toàn quốc, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

VietGAP còn xa lạ

Cam Canh đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Ảnh: Thái Hiền


Theo Bộ NN&PTNT, trên thực tế việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP đã được ban hành và áp dụng vào sản xuất từ lâu nhưng cho đến nay nhiều nông dân vẫn chưa hiểu rõ thông tin về quy trình này, nếu có hiểu cũng mù mờ, nên triển khai theo cách nào cho đúng quy trình họ cũng chưa định hình được. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau hơn 5 năm thí điểm (từ năm 2005) đến nay mới chỉ có 5% diện tích trồng rau, quả trên cả nước thực hiện được tiêu chuẩn VietGAP. Đây là kết quả tồi tệ trong khi tiềm năng sản xuất, xuất khẩu của chúng ta rất lớn và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất bức thiết.

Cục Trồng trọt cho biết, hiện cả nước có 15 mô hình sản xuất áp dụng VietGAP được chứng nhận, tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre. Ngoài ra, còn có 80ha rau an toàn, 5ha vải và 3.000ha thanh long đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi đó tại Hà Nội, VietGAP cũng hết sức xa lạ đối với nông dân, nhất là nông dân trồng cây ăn quả. Vùng nhãn chín muộn xã Đại Thành (Quốc Oai) và cam Canh, bưởi Diễn của huyện Hoài Đức, nơi nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ kỹ thuật và đã có truyền thống trồng cây ăn quả nhưng vẫn có khoảng 80% số nông dân được điều tra nói rằng đã nghe nói về VietGAP nhưng chưa hiểu đúng quy trình. Đồng thời, nếu so sánh điều kiện sản xuất thực tế của các hộ dân ở đây với quy trình VietGAP có quá nhiều chỉ tiêu không đạt. Người nông dân quan niệm, VietGAP là sử dụng thuốc BVTV đúng quy cách còn các điều kiện khác như xử lý mầm bệnh trước khi gieo trồng, sản phẩm sau thu hoạch không được để dưới đất, ghi chép nhật ký đồng ruộng... lại không được nông dân coi trọng nên dễ dàng bỏ qua trong khi đây là những điều kiện bắt buộc.

Theo ông Cao Văn Tuyến, Phòng NN&PTNT huyện Hoài Đức cho rằng, hiện các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội mới chỉ chú trọng tới quy trình sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, còn quy trình sản xuất các loại quả là thế mạnh của Hà Nội như bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn... thì chưa được quan tâm. Còn trực tiếp với người sản xuất, chị Nguyễn Thị Thơm, xã viên HTX rau an toàn Hòa Bình - Yên Nghĩa - Hà Đông cho biết, mặc dù đã được các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ, hằng năm tổ chức mở lớp tập huấn kiến thức về kỹ thuật trồng và giám sát RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, khi triển khai quy trình này vào thực tế lại rất khó khăn do quy trình quá khắt khe, đòi hỏi nông dân phải có trình độ nhất định, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc còn quá xa lạ với nông dân. Ông Nguyễn Văn Thắng, nông dân xã Đại Thành khẳng định, địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả từ nhiều năm nay, nhưng khi nói về việc áp dụng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm bán được giá cao hơn mọi người vẫn còn mù mờ, không biết áp dụng tiêu chuẩn này như thế nào cho đúng quy trình.

* VietGAP là tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp bảo đảm không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Quy mô nhỏ lẻ, manh mún


TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc còn quá ít diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là hộ gia đình dẫn tới khó quản lý, quy trình kỹ thuật lại chưa đồng nhất giữa các địa phương. Đầu ra sản phẩm chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, phân định rõ ràng nên hay bị nhập nhằng với các loại nông sản thông thường dẫn tới giá thành sản phẩm không cao. Việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để phân định và quản lý chất lượng nông sản gặp khó khăn và thiếu thực tế, do rau, củ, quả là mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhanh hỏng, được kinh doanh với khối lượng lớn, trên địa bàn rộng với nhiều người tham gia sản xuất, buôn bán. Nếu đánh giá chất lượng bằng phương pháp nhìn, quan sát cảm quan sẽ không bảo đảm độ tin cậy. Trong khi đó, nếu xác định các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các phương pháp phân tích thí nghiệm đòi hỏi phải mất một thời gian dài, ít nhất mất 3-4 ngày và chi phí quá lớn (1 - 3 triệu đồng/mẫu xét nghiệm tùy thuộc vào từng mẫu xét nghiệm khác nhau).

Nhiệm vụ bất khả thi?

Bộ NN&PTNT cho rằng, để nhanh chóng xây dựng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, các địa phương cần xây dựng, mở rộng vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung theo công nghệ sạch, chất lượng cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cần tập trung rà soát, xây dựng và chỉ đạo quy hoạch các vùng cây ăn quả, ưu tiên các loại rau, quả "đặc sản" mang hương vị riêng cho từng địa phương.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2011 hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung ở 100% tỉnh, thành phố trong nước. 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; 30% lượng hàng nông sản tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thí điểm mới chỉ có 5% diện tích trồng rau, quả trên cả nước thực hiện được tiêu chuẩn VietGAP, vậy mà chỉ trong vòng hơn 1 năm mà Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu lớn như vậy liệu có khả thi?
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết xa lạ ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.